Năm ra mắt : 1984
Kịch bản : Cố nhà văn Lưu Quang Vũ
Đạo diễn: Dương Ngọc Đức (trợ lý: NSND Hoàng QUân Tạo và NS Thanh Tú)
Diễn viên chính: NSƯT Quốc Toàn, NSƯT Trần Đức, Trịnh Mai, Hồng Hạnh, Tạ Am, Kim Chung, Lan Hương, Thu Hà, Hoài Thu, Nguyễn Hiệp, Viết Thịnh, Đam San, Nguyễn Hùng, Ngọc Châu, Chu Hùng.
“Hẹn ngày trở lại” tái hiện lại không khí lịch sử của Hà Nội những ngày đánh Pháp cúôi năm 1946 đầu năm 1947 mà tiêu biểu là lực lượng ở lại chiến đấu- những người “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”.
Sau lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ Tịch, không khí kháng chiến sôi nổi khắp các liên khu. Hà Nội cũng bước vào cuộc thử thách mới. Trong giờ phút lịch sử thiêng liêng ấy - một lực lượng tự vệ của Hà Nội - Liên khu I được thành lập ở lại chiến đấu bảo vệ Thủ đô.. Vở kịch đi sâu miêu tả lực lượng và sau này là đội cảm tử quân.
Giờ phút đầu tiên trong buổi kết nạp những người tình nguyện thuộc mọi giai tầng xã hội, gia ngập đội tự vệ sao vuông đã gây trong lòng người xem nhiều tình cảm xúc động.
Các nhân vật trong chuyện kịch xuất thân từ nhiều tầng lớp, có tính cách không giống nhau xong họ đều gặp nhau ở một điểm chung nhất, đó là lòng quyết tâm, sẵn sàng ở lại chiến đấu, tất cả vì lòng yêu nước mà quy tụ thành một khối “Đội cảm tử”. Vở kịch được xây dựng bằng những sự kiện lịch sử, những cảnh sinh hoạt trong cuộc sống thực tế bấy giờ. Những con người ở đây một mặt mang những đặc điểm của mỗi lớp người Hà Nội, mặt khác ở họ đều có tính cách riêng mà cách mạng đã tạo thành sức mạnh thống nhất, đồng thời phát huy khả năng ở mỗi con người. Từ những lực lượng nòng cốt như Chức đã thể hiện phẩm chất tốt đẹp, tinh thần quyết tử, luôn là tấm gương đẹp cho toàn đội noi theo, xứng đáng là người cán bộ cách mạng kiên cường. Hay như An - cô gái tiêu biểu cho những người nông dân ngoại thành Hà Nội là chỉ huy một đội nữ tự vệ, dù trong hoàn cảnh nào cũng sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Cho đến những người sinh viên như Trần Trương, anh sẵn sàng chấp nhận mọi nguy nan, ngay cả cái chết, cốt sao giữ được Thủ đô yêu dấu, xác định được mục đích cao đẹp và lúc nào anh cũng thể hiện sự hồn nhiên, trong sáng...
Có thể nói vở kịch đã nói lên được sức mạnh của nhân dân, những con người từ những cuộc đời nô lệ đến với cách mạng, đến với cuộc đời mới và họ đã trải qua những thử thách lớn lao nhất. “Hẹn ngày trở lại ” là bức tranh hoành tráng về một thời kỳ lịch sử của Hà Nội. Là lẽ sống cao đẹp của những con người Thủ đô trong công cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm.