LỊCH SỬ NHÀ HÁT

Nhà Hát Kịch Hà Nội ngày nay được thành lập năm 1959. Trải qua 60 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển. Từ một đội kịch trong Đoàn văn công nhân dân Thủ đô. Năm 1993, Đoàn kịch nói Hà Nội được chuyển thành Nhà Hát Kịch Hà Nội. Với sự nỗ lực vượt bậc về biểu diễn. Năm 2005, Nhà Hát đã được UBND Thành phố Hà Nội quyết định nâng hạng thành Nhà Hát hạng I (Quyết định số 8574/QĐ-UB ngày 30/12/2005 của UBND Thành phố Hà Nội về việc xếp hạng I cho Nhà Hát Kịch Hà Nội).

Thực hiện quyết định của Quốc Hội về việc mở rộng địa giới hành chính Hà Nội. Tháng 4 năm 2009, Đoàn kịch nói Hà Tây sáp nhập với Nhà Hát Kịch Hà Nội thành Nhà Hát Kịch Hà Nội trực thuộc Sở VHTT&DL Hà Nội.

Nhà Hát Kịch Hà Nội có chức năng, nhiệm vụ biểu diễn nghệ thuật kịch nói; Sưu tầm, bảo tồn và phát triển nghệ thuật kịch nói; Biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị, biểu diễn phục vụ khán giả trong nước và ngoài nước góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần và thẩm mỹ của người xem.

Tổ chức bộ máy, nhân sự của Nhà Hát được xây dựng theo quyết định của UBND Thành phố Hà Nội, của Bộ VHTT&DL đối với Nhà Hát hạng I, gồm có Ban giám đốc, các phòng chức năng (Phòng Hành chính Tổng hợp, Phòng Tổ chức biểu diễn, Phòng Nghệ thuật) và các Đoàn diễn viên (Đoàn diễn viên 1, Đoàn diễn viên 2, Đoàn diễn viên 3) với tổng số 109 cán bộ, công chức, viên chức, hợp đồng lao động. Trong đó có 66 diễn viên, 10 người làm công tác quản lý, chuyên môn nghiệp vụ, 33 người phục vụ. Trình độ chuyên môn: Thạc sỹ có 05 người, Đại học- cao đẳng có 71 người, trình độ chính trị: Cao cấp lý luận chính trị 01 người, trung cấp lý luận chính trị 06 người. Chi bộ Đảng Nhà Hát có 21 đảng viên, tổ chức Công đoàn có 98 hội viên, Chi Đoàn thanh niên có 33 đoàn viên, Chi Hội cựu chiến binh 16 hội viên và đặc biệt trong đội ngũ nghệ sĩ diễn viên có 03 nghệ sĩ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân và 06 nghệ sĩ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú đang công tác, biểu diễn.

Trụ sở cơ quan Nhà Hát Kịch Hà Nội đóng tại số 42 phố Tràng Tiền, Quận Hoàn Kiếm,

Thành phố Hà Nội

 Từ khi thành lập đến nay, vượt qua nhiều khó khăn, Nhà Hát đã dàn dựng được trên 150 vở diễn lớn và các chương trình tiết mục nhỏ. Biểu diễn phục vụ nhân dân cả nước và cộng động người Việt Nam ở nước ngoài hơn 9000 buổi biểu diễn với trên 3,5 triệu lượt người xem. Nhiều tác phẩm sân khấu kịch nói đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng khán giả, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, đóng góp tích cực trên mặt trận văn hóa tư tưởng của Đảng và Nhà nước như các vở “Lam Sơn tụ nghĩa”, “Đêm tháng 7”, “Bức tranh mùa gặt”, “Tôi và chúng ta”, “Lũy hoa”, “Thầy Khóa làng tôi”, “Cát bụi”, “Hà My của tôi”, “Điện thoại di động”, “Tình sử ngàn năm”, “Những mặt người thấp thoáng”, "Bỉ Vỏ", "Mảnh đất lắm người nhiều ma", "Ngôi nhà trong thành phố", "Vùng lạnh", "Đôi mắt"…qua đó đã tạo nên một “thương hiệu”, một truyền thống của Nhà Hát- đơn vị biểu diễn nghệ thuật kịch nói chính luận xuất sắc. Nhà Hát đã được Đảng và Chính phủ tặng thưởng nhiều Huân chương, Huy chương, Bằng khen (Huân chương độc lập hạng 3, Huân chương lao động hạng 2, Huân chương Lao động hạng 3, 04 Bằng khen của Chính phủ, 19 Huân Huy chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước, 70 Huy Chương Vàng, 56 Huy Chương Bạc cho tập thể và cá nhân các nghệ sĩ của Nhà hát qua các kỳ Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc và nhiều Bằng khen, Giấy khen của Bộ VHTT&DL, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Thành Ủy Thành phố Hà Nội, UBND Thành phố Hà Nội, Sở Văn hóa & Thể thao Hà Nội...)

Giai đoạn phát triển

60 năm hình thành và phát triển

Những ngày này, tập thể cán bộ, nghệ sỹ – diễn viên, công nhân  viên chức Nhà Hát Kịch Hà Nội đang ra sức thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 60 năm ngày thành lập (1959-2019). Trong suốt hành trình của mình với một tập thể tâm huyết, đoàn kết và sáng tạo Nhà Hát Kịch Hà Nội đã gặt hái được nhiều thành công. Với đội ngũ nghệ sỹ diễn viên, được khán giả yêu mến, xứng đáng là Nhà Hát của Thủ Đô và có một vị trí đáng trân trọng trong cả nước.

Các thành tích đã đã đạt được:

– 01 Huân chương độc lập hạng Ba.

– 01 Huân chương lao động hạng Nhì.

– 01 Huân chương lao động hạng Ba.

– 04 Bằng khen của Chính phủ.

– 19 Huân chương, huy chương kháng chíên chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba của hội đồng nhà nước tặng cho các nghệ sỹ, cán bộ, công nhân viên chức trong Nhà Hát.

– 70 Huy chương vàng, 56 Huy chương bạc và nhiều bằng khen, giấy khen tặng cho các tiết mục và các nghệ sỹ trong 10 kỳ Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc.

– 01 Bằng khen của Bộ Văn hoá Mông Cổ.

– 02 giải thưởng Thăng Long cho 2 vở diễn: “Hà Nội đêm trở gió” và “Luỹ hoa”.

– 06 lần đựơc nhận giải thưởng vở diễn hay nhất năm của Bộ Văn hoá và Hội nghệ sỹ sân khấu Việt Nam và Cục nghệ thuật biểu diễn.

–  Có 8 nghệ sỹ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân:

* NSND Trần Hoạt

* NSND Hoàng Dũng

* NSND Hoàng Cúc

* NSND Minh Hòa

* NSND Trung Hiếu

* NSND Công Lý

* NSND Tiến Đạt

* NSND Trần Hạnh

– 22 nghệ sỹ được nhà nước phong tặng Nghệ sỹ Ưu tú:

* NSƯT Hoàng Quân Tạo

* NSƯT Nguyễn Quốc Toàn

* NSƯT Thu An

* NSƯT Trịnh Mai

* NSƯT Thanh Tú

* NSƯT Trần Đức

* NSƯT Trần Kiếm

* NSƯT Đức Lưu

* NSƯT Vũ Văn Phơ

* NSƯT Nhật Đức

* NSƯT Minh Vượng

* NSƯT Tiến Hợi

* NSƯT Thu Hà

* NSƯT Đức Quang

* NSƯT Xuân Đồng

* NSƯT Thanh Huệ

* NSƯT Bích Thuỷ

* NSƯT Tiến Minh

* NSƯT Phú Thăng

* NSƯT Trần Vân

* NSƯT Minh Trang

* NSƯT Thu Hạnh

I. GIAI ĐOẠN 1959-1965

Sau 5 năm miền Bắc hoàn toàn giải phóng, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam đã thực hiện thắng lợi kế hoạch 2 năm phục hồi và kế hoạch 3 năm phát triển kinh tế. Đời sống kinh tế xã hội đã dần ổn định, mọi mặt sinh hoạt của nhân dân đã được cải thiện, nâng cao đáng kể. Do đó, nhu cầu về tinh thần, mong muốn được giải trí, được thưởng thức văn hóa nghệ thuật của quần chúng nhân dân ngày một đòi hỏi nhiều hơn. Để đáp ứng nguyện vọng của đông đảo quần chúng, động viên lòng yêu nước, cổ vũ tinh thần hăng hái thi đua lao động xây dựng kiến thiết đất nước của mọi tầng lớp nhân dân Thủ đô và cũng nhằm thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ chính trị là phổ biến rộng rãi mọi chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước. Thành ủy và Uỷ ban hành chính Hà Nội đã cho phép Sở văn hóa Hà Nội tổ chức tuyển diễn viên để lập thêm đội Kịch, đội Chèo, đội Xiếc, Ảo thuật kết hợp với đoàn Ca múa ( đã ra đời từ mấy năm trước ) thành lập ra Đoàn Văn Công Nhân dân Hà Nội do đồng chí Đinh Thiện Bao làm Trưởng đoàn và nhà thơ, nhà biên kịch, đạo diễn Trần Huyền Trân làm Phó trưởng đoàn phụ trách nghệ thuật.

Thời gian đầu, Đoàn văn công nhân dân Hà Nội hoạt động gặp rất nhiều khó khăn bởi tập thể diễn viên còn mới mẻ, chưa có kinh nhiệm biểu diễn lại vừa phải học tập, rèn luyện làm diễn viên lại vừa phải tự làm lấy đạo cụ, phục trang, ánh sáng, hậu đài. Nhưng với tình yêu nghệ thuật, lòng nhiệt tình, sự quyết tâm vượt qua mọi gian khó, nỗ lực học tập, rèn luyện không biết mệt mỏi của tất cả mọi người trong đoàn cộng với sự giúp đỡ, quan tâm sâu sát của lãnh đạo các cấp. Đoàn Văn Công Nhân Dân Hà Nội đã dần dần hoạt động ổn định và bắt đầu biểu diễn phục vụ quần chúng nhân dân.

Đoàn Văn Công Nhân Dân Hà Nội phải thường xuyên biểu diễn phục vụ đồng bào nội, ngoại thành và cả các tỉnh bạn, sử dụng nhiều hình thức của nhiều bộ môn nghệ thuật, trong đó có kịch nói. Đội kịch đã dàn dựng được một số vở kịch ngắn như:

– “Tiếng súng trong đêm mưa ” của Nguyễn Huy Hoàng với đề tài chống Pháp.

- “Buổi tập trận cuối cùng” của Tất Đạt với đề tài đấu tranh thống nhất đất nước .

– “Con lợn nhà bà Tân” của Vũ Đồng – Hài kịch đề tài nông nghiệp.

– “Nhà trẻ” của Quý Hiền.

- “Bài bích báo” của Huy Thành với đề tài công nghiệ

Cảnh trong vở “Bài bích báo”

Cảnh trong vở “Gặp vợ”

Các tác phẩm kịch ngắn đầu tiên này của Đội kịch trong Đoàn Văn công nhân dân Hà Nội, khi biểu diễn phục vụ đã được đông đảo quần chúng nhân dân ủng hộ, khen ngợi và yêu thích.

Phấn khởi trước những thành công bước đầu, đội kịch tiếp tục tập luyện thêm nhiều vở kịch ngắn nữa với nhiều đề tài, thể loại như: “Người giao hàng” kịch của Mỹ, “Ai là người nhận thưởng” của Hoài Giao, “Chiếc tạp dề ” của Vũ Thị Tuyết, “Cô chủ đề” của Tất Đạt , “Cục trưởng mới sắp đến” kịch của Trung Quốc, “Cái máy chém” của Trúc Đường v.v…

Cảnh trong vở “Cái máy chém”

Hầu hết các vở kịch này dều được biểu diễn phục vụ khắp nơi, ở nội ngoại thành Hà Nội, các nhà máy xí nghiệp như nhà máy In Tiến Bộ, Đoạn đầu máy Hà nội, nhà máy Xe lửa Gia lâm, nhà máy xay Lương Yên, nhà máy Gỗ Cầu Đuống, các hợp tác xã ngoại thành và nhiều tỉnh bạn khác. Đến đâu, đội kịch cũng được đón nhận nồng nhiệt, yêu mến và khen ngợi.

Đến cuối năm 1960, trải qua một thời gian tập luyện và biểu diễn, trình độ chuyên môn của tập thể diễn viên của đội kịch đã được nâng cao rất nhiều. Ban phụ trách Đoàn văn công nhân dân Hà Nội quyết định cho đội kịch dàn dựng vở kịch dài đầu tiên mang tên “Giờ phút quyết định” kịch bản của Nguyễn Bắc-Lộng Chương, đạo diễn Trần Huyền Trân, trang trí Nguyễn Thuận, âm nhạc Nguyễn Hữu Hiếu… “Giờ phút quyết định” ghi lại chiến công của những người công nhân hoả xa và nhiều tầng lớp nhân dân lao động Hà Nội đã kiên cường, mưu trí đấu tranh giữ lại đường sắt mạng lưới giao thông huyết mạch cho chính quyền cách mạng tiếp quản Thủ đô. Vở kịch có đến gần 30 nhân vật có tên chưa kể vai phụ và quần chúng nên đội kịch không đủ người, ban phụ trách Đoàn đã phải huy động cả đội Chèo và anh em Ca múa cùng tham gia đóng kịch.

Cảnh trong vở “Giờ phút quyết định”

Vở kịch “Giờ phút quyết định” đã tạo được tiếng vang lớn với đông đảo khán giả Thủ đô và dư luận xã hội. Vở diễn đã khẳng định sự tiến bộ, trưởng thành vượt bậc về trình độ mọi mặt của đội ngũ diễn viên, đánh dấu một bước tiến quan trọng của đội kịch và Đoàn văn công nhân dân.

Đầu năm 1961, đội Kịch lại bắt đầu tập vở mới “Những người du kích” của tác giả Xuân Trình, đạo diễn Văn Chi có sự cộng tác của đạo diễn Trần Hoạt, Trương Nhiên. Phần mỹ thuật của Nguyễn Thuật và âm nhạc của Trần Quý. “Những người du kích” là vở kịch 5 màn nói về cuộc chiến đấu trong vùng địch hậu thời kháng chiến chống Pháp, vùng làng hoa Liễu Giai Hà Nội.

Cảnh trong vở “Những người du kích”

Vở kịch “Những người du kích” đã rất thành công, khi biểu diễn phục vụ khán giả đã nhận được nhiều sự khen ngợi. Sau đó khi tham gia hội diễn sân khấu Thành phố do Sở văn hóa tổ chức để kỷ niệm 10 năm giải phóng Thủ đô, vở “Những người du kích” đã giành được huy chương Vàng và một số vai diễn trong vở cũng nhận được Huy chương, khen thưởng xứng đáng.

Đầu năm 1962, đội Kịch nhận được chỉ thị phải khẩn trương chuẩn bị tiết mục để tham gia Hội diễn nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Đơn vị đã chọn dựng vở  “Lam Sơn tụ nghĩa” kịch thơ 4 màn của Nguyễn Xuân Trâm, đạo diễn Trần Huyền Trân, âm nhạc Văn Chung, mỹ thuật Nguyễn Tiến Chung. Vở kịch khai thác truyện Nguyễn Trãi và các anh hùng khác tìm cách vào Lam Sơn dâng kế sách Bình Ngô thời kỳ chống quân Minh, thế kỷ XV.

Tham gia dự hội diễn 1962 vở “Lam Sơn tụ nghĩa” nhận được huy chương Bạc và vai Nguyễn Trãi do Trần Ngọc Hạnh đóng đoạt huy chương Vàng.

Cảnh trong  vở “Lam sơn tụ nghĩa”

Một số vai diễn trong vở như Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo, bà Ninh, cô lái đò v.v… cũng nhận được nhiều khen thưởng vì có nhiều nét sáng tạo.

Cảnh trong vở “Lam Sơn tụ nghĩa”

Từ thực tế dàn dựng và biểu diễn, đội Kịch dần hình thành dàn diễn viên kịch thế hệ đầu tiên ham học hỏi, dám nhận vai và mạnh dạn sáng tạo mỗi khi thể hiện nhân vật. Bao gồm các nghệ sỹ: Lê Khang; Hạc Đính; Hoàng Quân Tạo; Ngân An; Nguyễn Ánh; Hải Việt; Hữu Độ; Ngọc Đính; Hoàng Thanh Giang; Phạm Bằng; Trần Ngọc Hạnh; Lê Mai; Vũ Thanh Tú; Kim Xuyến; Nhật Đức…

Giai đoạn 1965-1975

II. GIAI ĐOẠN 1965-1975

Năm 1965 đội Kịch trong Đoàn văn công nhân dân Hà Nội đã bước sang một trang sử mới, khi được tách ra khỏi Đoàn văn công nhân dân Hà nội để thành lập Đoàn Kịch Nói Hà Nội, đồng chí Phùng Xuân Đường (Nguyên sỹ quan quân đội được cấp trên cử về làm trưởng đoàn). Đoàn cũng xin Bộ cử đạo diễn Trần Hoạt từ đoàn kịch Trung ương về làm chỉ đạo nghệ thuật. Ban lãnh đạo mới lập tức bắt tay vào việc rà soát nhân sự, củng cố – bổ sung lực lượng và đào tạo diễn viên mới. Vở kịch “Đêm tháng bảy” kịch 5 màn tác giả Dương Linh và U Đa, do đạo diễn Trần Hoạt dàn dựng, ra mắt khán giả được khán giả thủ đô và chính giới chào đón hồ hởi. Các báo văn nghệ, Thống Nhất, Nhân Dân nhận xét vở diễn “Đêm tháng bảy” là điểm son đánh dấu bước trưởng thành của đoàn Kịch Hà Nội”. Đáng chú ý là dàn diễn viên như nghệ sỹ Thanh Tú, Hoàng Thanh Giang, Hải Việt, Phạm Bằng, Lê Mai, Hoàng Quân Tạo, Ngân An, Kim Thanh đựơc khán giả và đồng nghiệp khen diễn xuất chân thật, nghiêm túc, có sáng tạo. Hàng chục năm liền vở “Đêm tháng bảy” là tiết mục chủ lực của đoàn. Đoàn đi đến đâu cũng được đồng bào, chiến sỹ hoan nghênh.

Cảnh trong vở “Đêm tháng 7”

Ngay trong tháng 7 đoàn dựng tiếp vở “Đồng mía” kịch ba màn của Pako-Anphoxo, phản ánh cuộc sống đen tối, bị áp bức bóc lột tàn tệ của những nông dân da đen tại đồn điền mía bên đất nước Cu Ba thời kỳ trước cách mạng. Tiết mục do NS Trần Hoạt đạo diễn, nhạc sỹ Văn Cao làm nhạc, HS Nguyên Hồng mỹ thuật.

Cảnh trong vở “Đồng mía”

Tháng 8 năm 1965, Đế quốc Mỹ cho máy bay ném bom đánh phá Miền Bắc. đứng trước tình hình ấy, đoàn Kịch Hà Nội chia thành hai đội xung kích đội 1 gồm: 14 anh chị em do NS Hoàng Quân Tạo phụ trách, đội hai gồm: 12 người do đồng chí Bá Viên chịu trách nhiệm. Ban lãnh đạo đoàn phát động thi đua xây dựng tíêt mục, chủ yếu là những tiết mục ngắn, gọn, nhẹ nhằm phục vụ kịp thời công cuộc chống Mỹ cứu nước. Chỉ trong một thời gian ngắn đã hoàn thành mấy chương trình gọi chung là những đêm kịch chống Mỹ. Tiếp theo là một loạt vở ngắn do các đồng chí Dương Ngọc Đức, Văn Chi, Hoàng Quân Tạo dàn dựng như: Tay không bắt giặc; Chuỗi hạt kim cương; Cỗ xe nhảy vọt; Một mạng người; Chiếc tạp dề và Người chào hàng; Tay súng dân quân; Đâu có giặc là ta cứ đi; Nhà trẻ; Cây chông thép…Sau đó cả hai đội toả đi biểu diễn phục vụ các đơn vị pháo phòng không, dân quân trực chiến, các nhà máy, xí nghiệp nội – ngoại thành.

Cuối năm đó đoàn chọn dựng vở “Hà Nội đầu năm 46” tác giả Bùi Nguyên Cát, đạo diễn Trần Hoạt, nhạc sỹ Văn Cao thiết kế mỹ thuật và âm nhạc.

Các nhân vật chính nghệ sỹ Hoàng Quân Tạo vai Cương; NS Mạnh Sinh vai Ba lái xe; NS Trần Ngọc Hạnh vai ông Phàm; NS Lê Mai vai bà Phàm; NS Thanh Tú vai Phương Liên; NS Khôi Nguyên vai cụ Tú; NS Phạm Bằng vai chủ nhà in Nam Phát; NS Lê Khanh vai Quản lý nhà in; NS Hoàng Thanh Giang vai Lê Phiệt; NS Ngọc Đỉnh vai Tuần Mai, NS Tâm Anh vai Me Tây… Một lần nữa dàn diễn viên trẻ được sự huấn luyện – chỉ dẫn chu đáo, cặn kẽ của đạo diễn Trần Huyền Trân và kế tiếp là đạo diễn Trần Hoạt, các diễn viên vào vai đều rất thành công, tạo ra những nét diễn riêng, nổi bật….

Cảnh trong vở “Hà Nội năm 46”

Cuối năm 1967 Đoàn kịch Hà Nội chấp hành  chỉ thị của Thành uỷ Uỷ ban và Sở vào phục vụ tuyến đầu Vĩnh Linh. Vẫn với hơn hai chục anh chị em được chuẩn bị kỹ lưỡng mọi mặt, lần này đơn vị mang vào hai vở dài là: “Lam Sơn tụ nghia” và “Đêm Tháng bảy” cùng với số tiết mục lẻ đủ loại như: Độc tấu; Song tấu; Hoạt cảnh và vở ngắn. Đoàn phục vụ quan và dân thuộc các xã Vĩnh Tú, Vĩnh Hiền, Vĩnh Chấp, Vĩnh Giang. (Vùng địa đạo của tỉnh Vĩnh Linh) và 1 lần đoàn cử số ít anh chị em ra tận bên này cầu Hiền Lương phục vụ các chiến sỹ làm nhiệm vụ canh giữ thường nhật. Có lần, biểu diễn xong, sắp ra về thì địch câu đại bác tới … Diễn viên nước mắt đầm đìa cùng dân quân địa phương băng bó cho người bị thương, chôn cất người hy sinh.

Năm1968, giặc Mỹ chấm dứt ném bom vô điều kiện. Miền Bắc tiếp tục khôi phục phát triển kinh tế, tăng cường và chi vịên người và của cho cách mạng Miền Nam. Đoàn lập tức chọn dựng “Tiền tuyến gọi” kịch 3 màn của tác giả Trần Quán Anh. Kịch bản nói về sự đấu tranh trong giới y học, giữa các giáo sư, bác sỹ với mối liên hệ từ lý thuyết đến thực hành , từ phòng thí nghiệm đến thực tế phẫu thuật ngoài chiến trường.Tiết mục do đạo diễn Dương Ngọc Đức dàn dựng, Phùng Huy Bính thiết kế mỹ thuật, Tô Hải viết nhạc. Diễn viên Hoàng Thanh Giang đóng vai giáo sư, DV Thanh Tú đóng Hương Giang, DV Phạm Bằng vai Lê huy, DV Trần Ngọc Hạnh đảm nhận vai Vũ Khiêm, DV Quốc Toàn đóng Tôn “Phệnh”, DV Nhật Đức đóng vai Bảng “Nhạc”, DV Kim Thanh đóng Vân, DV Thu An vai bà cụ, DV Trịnh Mai vai Nam Trung Niên,DV Viên vai Bính, DV Bình Hải vai Đức.

Cảnh trong vở “Tiền tuyến gọi”

Giữa năm 1969 đoàn dựng vở “Thử lửa” kịch 4 màn của tác giả Hội Vũ, kịch viết về đội thanh niên xung phong của Hà Nội làm nhiệm vụ thông suốt việc đi lại của nhân dân hai bên bờ Sông Hồng trong những ngày chống Mỹ, đoàn mời đạo diễn Ngọc Phương, hoạ  sỹ Phùng Huy Bính, nhạc  sỹ Đỗ Dũng, ánh sáng Việt Hồ. “Thử lửa” công diễn được đông đảo khán giả, đặc biệt là bộ đội và thanh niên đón chào nồng nhiệt. Trong đó những nhân vật của các nghệ  sỹ Ngân An, Quốc Toàn, Ngọc Châu, Kim Thanh, Nhật Đức, Hải Việt, Quang Trung, Thu Hà, Thu An, Lê Mai, Trịnh Mai, Ngọc Tuyết đều có những đóng góp xứng đáng vào thành công của vở diễn.

Cảnh trong vở “Thử lửa”

Thiết thực kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Đảng. Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1970 được tổ chức làm 3 đợt tại Vinh, Nam Định, Hải Phòng, hội tụ 52 đơn vị nghệ thuật đủ thể loại: Tuồng, Chèo, Cải lương, Kịch nói, Dân ca. Đoàn Kịch Hà Nội mang vở “Tiền tuyến gọi” đi tham gia hội diễn và tiết mục đã đạt huy chương vàng, tiết mục còn mang về 7 huy chương vàng cá nhân gồm: Tác giả Trần Quán Anh, đạo diễn Dương Ngọc Đức, hoạ sỹ Phùng Huy Bính, nhạc sỹ Tô Hải, và các vai diễn: Giáo sư của Hoàng Thanh Giang, Vũ Khiêm của Trần Ngọc Hạnh, Hương Giang của Thanh Tú cùng 5 huy chương bạc cho các vai: Lê Huy của Phạm Bằng, Tôn “Phệnh”của Quốc Toàn, bà cụ của Thu An, Nam Trung Niên của Trịnh Mai và Vân của Đức Lưu.

Cuối năm 1970 đoàn dựng vở “Người giám khảo cúôi cùng”. Tác giả Lê Nhị Hà, Đạo diễn Lộng Chương.

Cảnh trong vở “Người giám khảo cuối cùng”

Năm 1971 để chào mừng 3 ngày lễ lớn 19/12, 20/12, 22/12 đồng thời chào mừng kỷ niệm lần thứ 54 cách mạng tháng 10 Nga đoàn dựng thử nghiệm kịch bản nước ngoài quy mô… vừa là để thử sức vừa là giúp cho các nghệ sỹ rèn luyện nâng cao khả năng diễn xuất của mỗi người bằng vở: “Đội cận vệ thanh niên” kịch Liên Xô. Tác giả: G.GRATCOP theo tiểu thuyết cùng tên của Pha-Đê-Ep do Nguyễn Vân dịch. Đoàn mời đạo diễn Đoàn Bá dàn dựng cùng 2 trợ lý là: Hoàng Quân Tạo và Phạm Bằng. Nguyễn Hồng thiết kế mỹ thuật, Đàm Linh sáng tác nhạc và dàn nhạc ca – múa Hà Nội diễn tấu, Lý Trọng Hưng chỉ huy, biên đạo múa Đoàn Long, Ánh sáng Việt Hồ.

Cảnh trong vở “Đội cận vệ thanh niên”

Đầu năm 1972, đoàn dựng vở: “Từ Trường Sơn” kịch 8 cảnh của Tất Đạt, tiết mục do Huỳnh Nga dàn dựng, nhạc sỹ Văn Cao viết nhạc và trang trí. Giữa năm đó đoàn dựng tiếp “Con tôi cả” tác giả Ac- Tơ- Miler (Tác giả Mỹ tiến bộ). Tác phẩm do đạo diễn Vũ Đình Phòng dịch và dàn dựng, nhạc sỹ Cao Việt Bách viết nhạc, hoạ sỹ Phùng Huy Bính trang trí, nghệ sỹ ánh sáng Việt Hồ.

Cảnh trong vở “Con tôi cả”

Giữa năm 1973 đoàn dựng vở Tamia, kịch 5 màn của Ácburop (Liên Xô) Huỳnh Nga đạo diễn, hai phó đạo diễn là NS Hoàng Quân Tạo và NS phạm Bằng, nhạc sỹ Văn Cao phụ trách mỹ thuật và chọn nhạc.

Cảnh trong vở “Tamia”

Trong năm 1974 kỷ niệm 20 năm ngày giải phóng Thủ đô đoàn chọn dựng “Ngôi sao ban ngày” tác giả Thanh Hương, đạo diễn Trường Nhiên, Hoàng Quân Tạo trợ lý đạo diễn , mỹ thuật Lương Đống, Hoàng Vân âm nhạc, ánh sáng Trần Tung.

Cảnh trong vở “Ngôi sao ban ngày”

Đầu năm 1975 đoàn dựng “Bão táp” kịch 5 màn của Tô Hoài và Nguyễn Bắc, đạo diễn Đoàn Bá, Hoàng Quân Tạo trợ lý, Ngọc Mỹ làm trang trí, Trần Tung ánh sáng. Các vai chính NS Hoàng Quân Tạo, Quốc Toàn, Nhật Đức, Trịnh Mai, Lê Mai, Kim xuyến, Thanh Tú, Tạ An, Thu Hà…

Cảnh trong vở “Bão táp”

Có thể nói trong suốt giai đoạn từ 1965 – 1975 đoàn Kịch Hà Nội thực sự trải qua chặng đường dài 11 năm gian nan, thử thách, xong ai cũng nhận thấy mình đã trửơng thành hơn lên. Bộ máy lãnh đạo đoàn cũng dày dặn kinh nghiệm hơn lên. Qua 12 vở dài và gần 20 vở ngắn. Khá đa dạng về đề tài từ chiến tranh cách mạng đến xây dựng và bảo vệ Miền Bắc xã hội chủ nghĩa.Cả những đề tài kịch nước ngoài còn hết sức mới mẻ đối với sân khấu nước nhà. Nhưng tất cả đều thành công hơn sự mong đợi. điều quan trọng hơn nữa là khán giả đã biết đến và thân quen với các nghệ sỹ – diễn viên thông qua các nhân vật mà các nghệ sỹ thể hiện trên sân khấu như: Trần Ngọc Hạnh, Hoàng Quân Tạo, Trịnh Mai, Lê Mai, Hoàng Thanh Giang, Phạm Bằng, Thu An, Thu Hà, Kim Xuyến, Ngân An, Thanh Tú, Tạ Am, Quốc Toàn, Nhật Đức…Tạo tiền đề để đoàn Kịch Hà Nội bước sang một giai đoạn với những khát vọng mới, trọng trách mới của Đoàn Kịch Thủ đô.

Giai đoạn 1975-1985

III. GIAI ĐOẠN 1975-1985

Giữa năm 1976, Đoàn dựng “Hoa và cỏ dại” của tác giả kiêm đạo diễn Doãn Hoàng Giang, NS Hoàng Quân Tạo trợ lý đạo diễn, âm nhạc Đàm Linh, họa sĩ Doãn Châu thiết kế mỹ thuật. Chuyện kịch ngợi ca những thanh niên dám dấn thân đến những vùng núi xa xôi để làm ra của cải vật chất cho đất nước, họ quyết trở thành những bông hoa đẹp cống hiến cho đời. Như vai Hoàng do NS Quốc Toàn đóng, Tâm do NS Kim Xuyến thể hiện, Kiên do NS Trần Ngọc Hạnh đảm nhiệm. Trái lại, chuyện kịch phê phán những kẻ trây lười, cơ hội, làm ăn dối trá, đục khoét của công như vai Xuân (NS Yên Sơn đóng), Bường ( NS Trịnh Mai đóng), Trùm phe do NS Trần Vân đóng, Thần Ngủ (NS Trần Kiếm đóng), Dự quan liêu thích nghe nịnh do NS Ngọc Châu đóng. Tiết mục được giới khán giả trẻ cổ vũ nồng nhiệt. Các báo đăng tin với nhiều nhận xét xác đáng. Vở “Hoa và cỏ dại” cùng với vở “Bão táp” mấy năm liền phục vụ các tầng lớp khán giả Thủ đô cũng như các tỉnh bạn.

Cảnh trong vở “Hoa cỏ dại”

Năm 1977 Đoàn bắt tay dựng vở: “Đại uý XophaNop (tức những người Nga)” tác giả Si-Mo-Nop (Liên Xô). Tiết mục do NS Dương Ngọc Đức làm đạo diễn, NS Hoàng Quân Tạo trợ lý đạo diễn, Nhạc sỹ Trọng Bằng viết nhạc, Hoạ sỹ Bùi Huy Hiếu thiết kế mỹ thuật. Vở diễn ra mắt vào dịp Quốc khánh được đông đảo khán giả đón xem và cổ vũ nồng nhiệt. Báo chí cho đây là “bước tiến quan trọng của Đoàn Kịch Hà Nội” Vai chính đầu tiên trong đời nghệ sỹ Nhật Đức là XophaNop một nhân vật nghiêm túc trong quân kỷ nhưng đầy tình nghĩa và chan chứa yêu thương với cấp dưới của mình. NS Thanh Tú vai Valia càng nổi lên sinh động… một cô gái hồn nhiên yêu đời, trưởng thành trong chiến đấu, sẵn sàng nhận nhiệm vụ nguy hiểm…Mỗi khi nhân vật xuất hiện sân khấu như sáng hơn lên, tươi mát và gợi cảm, cuốn hút người xem. Cũng như vai Gloloba của NS Quốc Toàn không kém sáng tạo, một sỹ quan dũng cảm, lạc quan mà từng cử chỉ câu hát, lời nói, ở mỗi tình huống đều bộc lộ rõ tính cách riêng của nhân vật, gây ấn tượng mạnh cho người xem. vở diễn Đại uý Xô-pha-Nốp chào mừng kỷ niệm 60 năm cách mạng tháng 10 như bó hoa tươi thắm tượng trưng cho tình hữu nghị Việt Nam-  Liên Xô.

Cảnh trong vở “Đại uý Xô-pha-Nốp”

Năm 1978 đoàn dựng vở “Kỷ niệm những ngày nghiệt ngã” kịch bản Hồng Phi, NS Đoàn Bá đạo diễn. Vở “Kỷ niệm những ngày nghiệt ngã” đề cao hình mẫu con người mới, tính cách người trí thức mới trong môi trường lao động XHCN. Được đông đảo khán giả ca ngợi và là tiết mục thường trực của đoàn suốt mấy năm sau đó.

Cảnh trong vở “Kỷ niệm những ngày nghiệt ngã”

Năm 1978, Đoàn quyết định dựng tác phẩm văn học cổ điển “Âm mưu và tình yêu” của Sinlơ (Đức). Kịch bản vạch trần bản chất thối tha của chế độ phong kiến Châu Âu thế kỷ 18, tố cáo những tội ác ghê tởm của bọn chúa đất, uy quyền bất nhân của tôn giáo, tất cả đều đè nặng lên con người của thời đó. Tác phẩm do NS Nguyễn Đình Nghi dịch và đạo diễn, NS Quốc Toàn trợ lý đạo diễn, nhạc sỹ Đàm Linh viết nhạc, hoạ sỹ Trần Lưu Hậu thiết kế mỹ thuật, các nhân vật chính PhécMynăng do NS Quốc Toàn đóng, DV Đamka vai Lu-i–dơ, NS Trần Kiếm vai tể tướng, NS Thanh Tú vai Minpho, DV Minh Trang vai Sophi, NS Trịnh Mai vai ông già đưa ngọc, NS Nhật Đức vai Mile, NS Đức Lưu vai vợ Mile. Vở kịch ra mắt công chúng được khán giả các tầng lớp đón xem nồng nhiệt.

Cảnh trong vở “Âm mưu và Tình yêu”

Từ năm 1976 đồng chí Trần Minh Thái làm Trưởng đoàn, đồng chí Trần Tung và Hoàng Quân Tạo làm Phó trưởng đoàn vẫn duy trì đường hướng trước nay vạch ra và thực hiện. Giữa năm 1978 sở quyết định cử NS Hoàng Quân Tạo đi học đạo diễn bên nước bạn Hungari. Năm 1979 cử NS Vũ Thanh Tú và NS Ngọc Mỹ đi học lớp đạo diễn và mỹ thuật sân khấu tại trường đại học Sân khấu và điện ảnh Việt Nam.

Cuối năm 1979, Đoàn dựng vở “Cố nhân” của tác giả Xuân Trình. Vở kịch miêu tả cuộc đấu tranh anh dũng bằng nhiều hình thức nhiều cách của nhân dân ta chống giặc bành trướng phương Bắc. Vở do NS Đình Quang đạo diễn, họa sĩ Đường Tài mỹ thuật, công diễn được các tầng lớp khán giả cũng như báo chí khen ngợi.

Sau tết 1980, NS Hoàng Quân Tạo vừa đi học về với trọng trách Quyền trưởng đoàn chỉ đạo nghệ thuật, Đ/c Trần Tung làm phó trưởng đoàn, Đoàn bắt tay vào dựng vở “Vùng sáng” sau đổi thành “Hà My của tôi”. Tác giả và đạo diễn Doãn Hoàng Giang. Kịch bản viết về quá trình sản xuất, chiến đấu đầy hy sinh gian khổ của tập thể anh chị em công nhân quyết tâm bảo vệ ánh sáng điện cho Hà Nội. NS Ngọc Châu trợ lý đạo diễn, họa sỹ Doãn Châu mỹ thuật, nhạc sỹ Đức Minh âm nhạc, NS Trần Minh biên đạo múa. Hầu hết diễn viên trẻ đều được tham gia thể hiện vai diễn trong vở “Hà My của tôi” hay còn gọi là “Vùng sáng” công diễn được khán giả hoan nghênh và gây dư luận sôi nổi…Năm 1980 đoàn mang vở “Hà My của tôi” hay còn gọi là “Vùng sáng” đi tham dự hội diễn sân khấu Toàn quốc lần 3 tại thành phố Hồ Chí Minh. Vở diễn đã đạt huy chương vàng trên tổng số 38 đơn vị trong cả nước tham gia hội diễn trong 3 đợt. Vùng sáng còn nhận tiếp giải thưởng tập thể diễn viên. Các cá nhân đoạt giải vàng gồm: NS Nhật Đức vai Lâm, NS Trần vân vai Phương, NS Trần Kiếm vai Tùng Đô, Hà My của Minh Trang, vai Hoè bi đát của Ngọc Thắng. Và Hai huy chương bạc vai Cơ của NS Phạm Bằng, vai Chuyện của DV Thu Vân. Sau hội diễn về đoàn còn vinh dự mang vở diễn “Hà My của tôi” vào diễn báo cáo với Trung Ương. Kết thúc đêm diễn, đồng chí Tố Hữu thay mặt Trung Ương lên sân khấu bắt tay và khen ngợi vở diễn cùng các diễn viên của đoàn.

Cảnh trong vở “Hà My của tôi”

Đầu năm 1981, kỷ niệm 1300 năm thành lập nước Bungari Đoàn dựng tác phẩm “Đêm cuối cùng ở Tây Ban Nha” (Còn gọi là Chặng nghỉ ở làng Arkoiris) tác giả D.Dimocv do NS Dương Viết Bát dịch, NS Dương Ngọc Đức đạo diễn, nhạc sỹ Trọng Bằng âm nhạc, mỹ thuật hoạ sỹ Phùng Huy Bính, NS Kim Dung biên đạo múa, NS Quốc Toàn trợ lý đạo diễn.

Giữa năm 1981 Đoàn dựng vở “Hoa và Ngần” kịch dài của Nguyễn Đình Thi.

Cảnh trong vở “Hoa và Ngần”

Và năm 1982, để chào mừng đại hội Đảng V lại đúng vào dịp đoàn nhận lớp học sinh vừa tốt nghiệp trường nghệ thuật, đoàn dựng đồng thời 02 vở dài. “Bản tình ca màu xanh” và “Cô gái đội mũ nồi xám”. Với ý định đưa dần dàn diễn viên trẻ đảm nhận các vai chính nhưng vẫn có sự đan xen với lớp diễn viên cốt cán trước –nay. “Bản tình ca màu xanh” tác giả Thanh Hương. (Đề tài nông thôn nhưng nhấn mạnh việc đưa khoa học kỹ thuật vào cây trồng, ngợi ca những sinh viên mới ra trường nhưng mạnh dạn trong suy nghĩ và hành động theo hướng tích cực… với những ước mơ hoài bão…Chấp nhận những thử thách khắc nghịêt của “Vùng xoáy” cuộc đời để rồi trưởng thành). Đạo diễn Doãn Hoàng Giang, âm nhạc Đức Minh, Nguyễn Phiến mỹ thuật. Bảng phân vai các nghệ sỹ: Tùng do NS Trần Vân, Mai do NS Thu Hương, Kiên do NS Hồng Sơn, Tuyết do DV Thuỳ Linh. Thiết do NS Tiến Đạt, viện trưởng do NS Trần Ngọc Hạnh, cô nuôi do DV Kim Chung…

Cảnh trong vở “Bản tình ca màu xanh”

Cảnh trong vở “Bản tình ca màu xanh”

Vở công diễn được khán giả hoan nghênh – chào đón. “Cô gái đội mũ nồi xám” tác giả Lưu Quang Vũ “Đi vào nỗi băn khoăn của lớp trẻ là nên sống thế nào để đạt được hạnh phúc chân chính”. Tiết mục do NS Nguyễn Đình Nghi đạo diễn, Mỹ thuật do hoạ sỹ Phùng Huy Bính, âm nhạc của nhạc sỹ Đàm Linh. Các nhân vật chính: DV Minh Trang và DV Đam Ka vai Châm, NS Hoàng Dũng vai Nhật, NS Quốc Toàn vai Đát, NS Trần Hạnh vai Thành, NS Trần Kiếm vai Tích Hiêu, NS Minh Vượng vai bà… “Cô Gái đội mũ nồi xám” công diễn được khán giả thích thú gây dư luận sôi nổi về tính chân thật của chuyện kịch qua nhân vật chủ chốt. Tiết mục tham gia liên hoan những vở sân khấu đề tài hiện đại chào mừng đại hội Đảng V đã đoạt giải xuất sắc.

Cảnh trong vở “Cô gái đội mũ nồi xám”

Tháng tư năm 1982 Đoàn vào thành phố Hồ Chí Minh biểu diễn nhân dịp kỷ niệm ngày 30/4 với 03 vở là: “Đêm cuối cùng ở Tây Ban Nha”, “Bản tình ca màu xanh”, “Cô gái đội mũ nồi xám”, cũng giống như 2 lần trước, chương trình kịch mục của đoàn được cán bộ và nhân dân cũng như chính giới hưởng ứng nồng nhiệt. Báo chí không chỉ khen  ngợi lớp diễn viên từng chinh phục các tầng lớp khán giả thành phố mà còn dành nhiều lời khen cho lớp diễn viên trẻ kế tiếp. Khẳng định sự trưởng thành nhanh trên sân khấu như: DV Đam Ka, Minh Trang, Hoàng Dũng… Hơn thế các tiết mục của đoàn còn đựơc các đồng chí lãnh đạo của Thành uỷ, UBND, UBND thành phố và Sở văn hoá thông tin thành phố HCM khen ngợi và quan tâm ân cần – chu đáo về mọi mặt.

Ảnh đồng chí Nguyễn Văn Linh Bí thư thành uỷ chụp chung

với đoàn

Đồng thời với việc đoàn tập vở “Thung lũng tình yêu” và “Người đàn bà sau tấm cửa xanh” (Kịch Liên Xô). Tiết mục do NS Tạ Xuyên đạo diễn, hoạ sỹ Lê Huy Quang làm mỹ thuật, nhạc chọn. Các vai chính do các nghệ sỹ – diễn viên Minh Trang, Trần Hạnh, Quốc Toàn, Nhật Đức, Trần Vân, Hoàng Cúc đảm nhận. Cả hai vở: “Thung lũng tình yêu” và “Người đàn bà sau tấm cửa xanh” ra mắt chào mừng tháng văn hoá Việt – Xô được khán giả Thủ Đô đón xem náo nức.

Năm 1983 trong tình hình sân khấu cả nước còn hết sức khó khăn, lãnh đạo Sở Văn hoá quyết định trao vào tay lớp trẻ phụ trách… Với hy vọng “Sự đổi mới mang lại hiệu quả hơn”. Đồng chí Quốc Toàn và đồng chí Ngọc Mỹ làm phó trưởng đoàn. Có thể nói “Thung lũng tình yêu” và “Người đàn bà sau tấm cửa xanh” là thành quả của ê kíp lãnh đạo mới.

Cuối năm 1983 Đoàn đưa vào sàn tập vở: “Bình minh đó, trái tim anh” của tác giả Tất Đạt, đạo diễn Xuân Đàm, hoạ sỹ Doãn Châu mỹ thuật, âm nhạc chọn. Các vai chính trao cho NS Quốc Toàn, NS Trần Vân, Thu Hương, Đức Lưu, Nhật Đức, Đam Ka, Minh Trang, Thùy Linh, Trần Kiếm, Kim Xuyến… Tiết mục ra công diễn đã gây được ấn tượng tốt cho người xem.

Vừa khi công diễn vở “Bình minh đó, trái tim anh” một ê kíp diễn viên khác của đoàn dựng gối luôn vở “Bóng râm trong ngày nắng” của tác giả Trung Đông. Hoàng Quân Tạo đạo diễn, mỹ thuật Doãn Châu, Vũ Ngọc Quang sáng tác nhạc. Các vai chính: NS Đam Ka vai Phương Thảo, NS Hoàng Dũng vai Tú, NS Hoàng Cúc vai Diệu Hương, NS Trần Vân vai Hoàn, NS Trần Kiếm vai Thư Hồng Sơn cùng các diễn viên Minh Vượng, Chu Hùng, Nguyễn Hùng, Thu Vân tham gia biểu diễn.

Vở diễn “Bóng râm trong ngày nắng” đề cao những người lao động hết mình dưới “Nắng” để cải tạo thiên nhiên, làm ra của cải cho xã hội, đồng thời lên án những kẻ lấp dưới “Bóng râm” để kiếm chác, chụp lợi cho riêng mình.

Cảnh trong vở “Bóng râm trong ngày nắng”

Năm 1984 kỷ niệm 30 năm giải phóng Thủ đô và 38 năm ngày toàn quốc kháng chiến, Đoàn cho ra mắt vở: “Hẹn ngày trở lại” kịch bản Lưu Quang Vũ, đạo diễn Dương Ngọc Đức, mỹ thuật Phùng Huy Bính, âm nhạc Trọng Bằng, trợ lý đạo diễn là NS Thanh Tú và NS Hoàng Quân Tạo. “Vở diễn tái hiện lại không khí lịch sử của Hà Nội những ngày đánh Pháp cúôi năm 1946 đầu năm 1947 mà tiêu biểu là lực lượng ở lại chiến đấu”, những người “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”. Các nhân vật trong chuyện kịch xuất thân từ nhiều tầng lớp, có tính cách không giống nhau xong tất cả vì lòng yêu nước mà quy tụ thành một khối “Đội cảm tử” như anh cán bộ Chức dũng cảm, kiên cường đánh địch đến hơi thở cuối cùng. Cô An chỉ huy đội nữ tự vệ hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Anh sinh viên Trường sẵn sàng hy sinh cho nghĩa cả. “Hẹn ngày trở lại ” là bức tranh hoành tráng về một thời kỳ lịch sử của Hà Nội. Là lẽ sống cao đẹp của những con người Thủ đô trong chiến đấu.

Cảnh trong vở “Hẹn ngày trở lại”

Cuối năm 1984 bộ văn hoá ra thông báo tổ chức hội diễn sân khấu chuyện nghiệp toàn quốc vào năm 1985, Đoàn quyết tâm dựng vở có tên lúc đầu là “Cá nhân và tập thể” sau nhiều lần sửa chữa, nâng cao rồi xin ý kiến chỉ đạo của hội đồng nghệ thuật sở cũng như các ban ngành có liên quan tới đề tài; Ban giám đốc Sở đóng góp ý kiến cho kịch bản, tác giả Lưu Quang Vũ bàn với trưởng đoàn Hoàng Quân Tạo và bắt tay vào sửa chữa kịch bản… cuối cùng đã lấy tên mới là “Tôi và chúng ta” tác giả Lưu Quang Vũ viết về Hoàng Việt sỹ quan công binh ở Trường Sơn thời đánh Mỹ về làm giám đốc xí nghiệp Thắng Lợi, một xí nghiệp bê bối, tồi tệ. Anh phải đấu tranh quyết liệt với những kẻ vô trách nhiệm, làm ăn dựa dẫm và mạnh dạn làm thay đổi… Vượt khuôn khổ nên sau bị “mời” lên công an…Tiết mục do NS Hoàng Quân Tạo đạo diễn, NS Quốc Toàn trợ lý đạo diễn, Ngọc Mỹ mỹ thuật, Phó Đức Phương viết nhạc, với các nghệ sỹ: Trần Vân vai Hoàng Việt, Hoàng Cúc vai Thanh, Hồng Sơn vai Lê Sơn, Minh Trang vai Ngà, Quốc Toàn vai Bộ trưởng, Hoàng Dũng vai Chính, Trần Đức vai Khánh, Đam Ka vai Hường, Trần Kiếm vai Quých, Hồng Hạnh vai Bà Bộng, Lan Hương vai Tuyết “Ruybic”, Trịnh Mai vai ông già gác nghĩa trang, …

Cảnh trong vở “Tôi và chúng ta”

“Tôi và chúng ta” tham gia Hội diễn năm 1985 được ban giám khảo trao tặng Huy Chương Vàng. Những diễn viên xuất sắc trong các vai như NS Trần Vân (vai Hoàng Việt), NS Hoàng Cúc vai Thanh; DV Minh Trang vai Ngà; NS Hoàng Dũng vai Chính đã đoạt huy chương vàng; Các vai như NS Trần Kiếm vai Quýnh, NS Quốc Toàn vai Bộ trưởng, NS Hồng Hạnh vai bà Bộng, NS Lan Hương vai Tuyết “Ruybic” nhận huy chương bạc. Với 13 huy chương vàng và bạc, tiết  mục đã đứng đầu về số giải thưởng trong 59 đơn vị tham gia hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1985 “Tôi và chúng ta” đưa ra công diễn phục vụ khán giả thành phố Hồ Chí Minh, được đồng bào, các tầng lớp khán giả và báo chí khen ngợi nhiệt liệt, tới mức diễn liền 175 suất trên 1 địa điểm. Báo sự thật (Liên Xô) viết “Tôi và chúng ta – là vở kịch sự xung đột giữa các phương pháp quan liêu với đường lối mới, năng động, mở ra một không gian rộng lớn cho sự sáng tạo của người lao động…”.

Giai đoạn 1985-1999

IV. GIAI ĐOẠN 1985-1999

Giữa năm 1986, Đoàn dàn tập “Khoảnh khắc và vô tận” là phần 2 của “Tôi và chúng ta”. Tiết mục tiếp tục lên án mạnh mẽ chế độ quan liêu bao cấp, kiên quyết đấu tranh cho một cơ chế mới thích hợp, đồng thời đòi hỏi mọi người phải đổi mới cách nghĩ. Đây cũng là cuộc đụng độ Sống– Mái giữa những người dũng cảm, trung thực, tiên tiến với bè lũ cơ hội, bảo thủ và quỷ quyệt. Tiết mục vẫn do NS Hoàng Quân Tạo đạo diễn cùng toàn bộ ê kíp sáng tạo vốn làm việc ăn ý và ủng hộ cái mới trong sáng tạo nghệ thuật.

Cảnh trong vở “Khoảnh khắc và vô tận”

Tháng 3/1987, Đoàn mang vở “Khoảnh khắc và vô tận”- phần 2 của “Tôi và chúng ta” vào diễn tại thành phố HCM lần thứ 5 (Tính cả hai kỳ hội diễn 1980– 1985) được khán giả đón chào nồng nhiệt. Đoàn đã diễn liên tục gần 3 tháng trên sân khấu – hội trường Liên Hiệp Công Đoàn, lần phục vụ cán bộ và nhân dân thành phố HCM này Đoàn được các đồng chí Phan Văn Khải, Võ Trần Chí, cùng nhiều các đồng chí lãnh đạo đầu ngành của thành phố hoan nghênh và giúp đỡ tận tình. Ngay trong những ngày này đoàn đã mời tác giả Lưu Quang Vũ bay vào Sài Gòn và tác giả đã cùng ban lãnh đạo đoàn bàn bạc trao đổi thực tế hiệu quả của vở diễn “phần 1 và 2” để tác giả viết tiếp phần 3.Với tinh thần tập 3 ra mắt khán giả cũng phải tốt như tập 1 và 2.

Ảnh khán giả TP HCM đến xem vở “Khoảnh khắc và vô tận”

Từ tháng 6/1987 Đoàn trở ra Hà Nội, đúng vào dịp chuẩn bị kỷ niệm trọng thể 70 năm cách mạng tháng 10 Nga, hưởng ứng thiết thực các tháng văn hóa, Liên Xô, Tiệp Khắc, Mông Cổ đồng thời tạo mọi điều kiện và đốc thúc tác giả Lưu Quang Vũ sớm xong bản thảo tập 3. Đoàn chọn vở “Nơi cuộc đời ẩn náu” còn có tên là: “Tổ chim cun cút” của Victo-Redcop do Vũ Đình Phòng dịch (Vở có nội dung gần gũi với thực trạng xã hội Việt Nam) Trong đó, tác giả bằng con mắt phát hiện sắc sảo vạch ra những hiện tượng tiêu cực quanh ta, lấp sau những nhân vật “Chức quyền” Khó nhận rõ diện mạo, khó tách bạch chân tướng. “Nơi cuộc đời ẩn náu” Công diễn được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà Nước, các đồng chí lãnh đạo của Trung ương và thành phố như đồng chí NGuyễn Văn Linh, Nguyễn Thanh Bình, Võ Văn Kiệt, Trần Văn Phác. Các đồng chí tuỳ viên đại sứ quán Liên Xô, phóng viên báo sự thật Liên Xô đại diện thông tấn Nôvốtli…Hầu hết các đồng chí lãnh đạo và các vị khách quốc tế đại diện các cơ quan thông tấn báo chí cùng các tầng lớp khán giả Thủ đô khen ngợi. Đoàn đã diễn trên 100 đêm vở “Nơi cuộc đời ẩn náu” tại Hà Nội.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh – Tổng bí thư chụp ảnh cùng lãnh đạo và các nghệ sỹ trong vở “Nơi cuộc đời ẩn náu”


Cảnh trong vở “Nơi cuộc đời ẩn náu”

Thời gian này Bộ văn hóa chỉ thị cho đoàn dựng vở kịch Mông Cổ mang tiêu đề “Giai điệu bị lãng quên” của Bat-Bayar do Đặng Trần Cần dịch, Hoàng Quân Tạo đạo diễn, Quốc Toàn phó đạo diễn, Ngọc Mỹ mỹ thuật, Trọng Đài âm nhạc. Hạ tuần tháng 10/1987 đúng vào tháng văn hóa Mông Cổ – Việt Nam. “Giai điệu bị lãng quên” công diễn. Đông đủ các quan khách đại diện của hai nước, các cán bộ đầu ngành văn hóa của hai nước, Đại diện Hội văn nghệ, Hội nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam và Hà Nội hưởng ứng và cổ vũ nhiệt liệt.  Bộ Văn hoá Mông cổ trao tặng bằng khen cho đạo diễn Hoàng Quân Tạo và giấy khen cho 4 diễn viên: Quốc Toàn, Trần Kiếm, Đam Ka, Tuyết Mai, Ngọc Mỹ – họa sỹ.

Cuối năm 1987 Đoàn dựng “Em đẹp dần trong mắt anh” của Tất Đạt. Vở diễn nêu phẩm chất của một trí thức chân chính cố vượt lên trên hoàn cảnh khó khăn sao cho có trách nhiệm, có đạo lý, qua câu chuyện của ông giáo vật lý tài giỏi nhưng đồng lương không đủ sống phải đi đạp xích lô kiếm thêm, sau chết gục bên thùng xe xích lô của mình… Tiết mục do NS Hoàng Quân Tạo đạo diễn, Ngọc Mỹ – mỹ thuật, Nguyễn Cường viết nhạc, với các vai chính: NS Quốc Toàn, Hoàng Cúc, Trần Đức, Thu Hương, Minh Hòa, Kim Chi, Hương Lan thể hiện…

Cảnh trong vở “Em đẹp dần trong mắt anh”

Tháng 12 năm 1987, Đoàn kịch Hà Nội được tác giả Lưu Quang Vũ đọc cho anh chị em trong hội đồng nghệ thuật và các diễn viên nghe bản thảo tập 3 có tên: “Quyền được hạnh phúc” sau đó ban lãnh đạo đoàn và các nghệ sỹ – diễn viên tham gia đóng góp ý kiến cho kịch bản. Tác giả và đoàn đều có chung một quan điểm đó là: Dứt khoát tập 3 phải hay hơn tập 1 và 2 nên tác giả tiếp tục nghiên cứu những ý kiến đóng góp của các nghệ sỹ để sửa chữa, nâng cao kịch bản. Đến quý III năm 1988 “Quyền được hạnh phúc” mới đi vào sàn tập. Kịch bản nhấn vào khía cạnh “Bị trói buộc trong sản xuất là do mất dân chủ…” rằng “Không ai có quyền cho ai dân chủ, mà dân chủ phải đương nhiên như không khí…Không có nó con người sẽ không còn là con người”. Tiết mục vẫn do NS Hoàng Quân Tạo đạo diễn, NS Quốc Toàn phó đạo diễn, Ngọc Mỹ – mỹ thuật, Nhạc sỹ Hoàng Vân viết nhạc. Vở “Quyền được hạnh phúc” vừa dàn tập vỡ vạc được chưa quá màn đầu, trong lúc cả sàn tập đạo diễn và diễn viên đang hào hứng tập luyện thì nhận được tin sét đánh ngang trời … “Vợ – Chồng tác giả Lưu Quang Vũ bị tai nạn giao thông trên đường Hải Phòng – Hà Nội”. Cả đoàn bàng hoàng, thất thần hay tin Xuân Quỳnh và cháu My tử nạn lúc 15h30’ gần cầu Phú Lương – Hải Dương. Lưu Quang Vũ được đưa vào bệnh viện tỉnh. Ít phút sau cả đoàn nhận tin dữ: Tác giả Lưu Quang Vũ từ trần lúc 17h cùng ngày. Cả đoàn chạy đến bên nhau, nắm lấy tay nhau khóc nức nở… Người sắt đá nhất cũng không thể cầm được nước mắt.

Cuối tháng 10 năm 1988 “ Quyền được hạnh phúc” chính thức ra mắt khán giả đêm đầu tiên. Vở diễn lập tức được các tầng lớp khán giả và báo chí khen ngợi… Cho là: Tác giả “đến độ chín muồi”, “Cô đọng, mực thước” làm bệ phóng cho diễn viên sáng tạo. Vở kịch mở đầu bằng bi kịch gia đình Thuỵ, Tiết mục như mũi dao nhọn thọc sâu vào cơ chế “Quan liêu” vạch mặt những kẻ thoái hóa, nắm  quyền sinh sát trong tay và lợi dụng “Pháp luật” hãm hại người trung thực, phá hoại hạnh phúc gia đình, trà đạp đạo lý làm người.  Việc Thuỵ Kiên quyết đòi bí thư Trọng phải “Sòng phẳng với quá khứ” (Nếu không ông lại khăn gói vào tù) muốn chứng minh “Tiến trình đổi mới tư duy, dân chủ hóa đời sống, chính trị xã hội là tất yếu”. Báo chí khen dàn diễn viên thể hiện “Quyền được hạnh phúc” là vở kịch sâu sắc, “Dữ dội” một cách thâm trầm. Như NSƯT Hoàng Dũng vai Thuỵ, NSƯT Hoàng Cúc vai Nghiêm, diễn tả sinh sắc tinh tế mối quan hệ trớ trêu cay đắng giữa cặp vợ chồng “cứng tuổi”. Ngay lúc Thuỵ hiểu ra nỗi khổ của vợ, cả hai đều dào dạt tình nghĩa, sâu lắng, xót xa, bộc lộ qua ánh mắt, cử chỉ, lời nói rụt rè, ngỡ ngàng, gợi được sự thương cảm ái ngại trong khán giả. NSƯT Hoàng Dũng thể hiện vai Thuỵ lúc nào cũng trầm lắng, bước thận trọng, ứng xử cân nhắc, thể hiện rõ con người “dày dạn, phong trần” cương nghị…

Giữa tháng 3/1989 Đoàn vào Thành phố Hồ Chí Minh biểu diễn lần thứ 6 với vở: “Quyền được hạnh phúc” tại sân khấu Hội trường Liên Hiệp Công Đoàn được đông đảo các tầng lớp khán giả khen ngợi và đánh giá cao. Các báo đăng bài giới thiệu và khen ngợi các vai của NS Hoàng Dũng, NS Nhật Đức, NS Hoàng Cúc, đặc biệt nhấn vào sự xuất hiện của lớp diễn viên trẻ như Minh Hòa vai Bích, Phúc Định trong vai Tùng. Các báo cho rằng: “Thành công của Tôi và chúng ta (2 tập) kết hợp giữa lý và tình, giữa bức tranh xã hội còn nhiều bóng đen và khát vọng vươn tới của con người”. Còn “quyền được hưởng hạnh phúc” cho người xem thấy “sức nóng” của đời sống xã hội – chính trị…Và rằng bộ ba vở “Tôi và chúng ta” “Khoảnh khắc và vô tận” “Quyền được hạnh phúc” của đoàn kịch Hà Nội với đạo diễn Hoàng Quân Tạo, Tác giả Lưu Quang Vũ muốn khái quát một giai đoạn đầy biến động trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Đầu tháng 5 đoàn trở về Hà Nội sau khi hoàn thành chuyến lưu diễn tại thành phố Hồ Chí Minh đoàn đồng thời dựng hai vở là: “Đỉnh cao vực thẳm” của tác giả Thanh Hương và “Triều đình Ha hu hơ” hài kịch của Hoàng Nhuận Cầm. “Đỉnh cao và vực thẳm” của Thanh Hương do NS Thanh Tú và NS Quốc Toàn Đạo diễn, nhạc sỹ Nguyễn Hải viết nhạc, họa sỹ Ngọc Mỹ làm mỹ thuật. Các nhân vật chính: NS Trần vân vai Minh, NS Bích Thủy vai Thu, NS Lan Hương vai vợ ông tướng, NS Chu Hùng vai Bèo bọt, NS Tiến Đạt vai ông tướng…Tiết mục lên án bọn cơ hội bất chấp lương tri, đạo lý trà đạp lên tình cha con, nghĩa vợ chồng, tìm đủ mọi cách tiến thân, ở đây NS Trần Vân, NS Bích Thủy thể hiện vai rất xuất sắc được khán giả tán thưởng. NS Lan Hương ra diễn có 1 lớp, NS Tiến Đạt xuất hiện chốc lát cũng đủ để lại nhiều ấn tượng tốt.

Triều đình Ha Hu Hơ do NSƯT Hoàng Quân Tạo đạo diễn, nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân viết nhạc, họa sỹ Ngọc Mỹ – mỹ thuật. Nhân vật chính do các nghệ sỹ Nhật Đức, Lan hương, Trần Đức, NSƯT Hoàng Cúc, Kim Chi, Xuân Tiên, Minh Vượng…Đảm nhiệm tiết mục mang đậm tính thời sự, dùng tiếng cười lên án cùng khuyến cáo bọn gian thương lợi dụng chính sách kinh tế mở rộng của Nhà nước mà chụp lợi.

Cảnh trong vở “Triều đình Ha-hu-hơ”

Cuối quý I năm 1990 Đoàn quyết định dựng vở “Nghĩ về mình” của tác giả Xuân Trình để tham dự hội diễn 1990, đợt 1 tổ chức tại Hà Nội. Vở do NSƯT Hoàng Quân Tạo và NSƯT Quốc Toàn đạo diễn, Phó Đức Phương viết nhạc, NSND Doãn Châu mỹ thuật, nhân vật chính do các nghệ sỹ Minh Hòa, Lan Hương, Trần Đức, Kim Chi, Tiến Đạt đảm nhận…Vở diễn đoạt bằng khen và huy chương vàng của ban chỉ đạo cùng với 4 huy chương vàng cho các diễn viên: Kim Chi, Lan Hương, Tiến Đạt, Minh Hòa và 4 huy chương bạc cho các nghệ sỹ: Hoàng Dũng, Hoàng Cúc, Trần Đức, Nhật Đức cũng tức là đơn vị đoạt số huy chương vàng và bạc cao nhất so với các tiết mục của các đơn vị bạn.

Cảnh trong vở “Nghĩ về mình”

Có thể nói phong cách chính luận trên sân khấu Nhà Hát Kịch Hà Nội từ nhiều năm qua, bên cạnh việc tiếp cận và đi sâu vào những vấn đề bức xúc của cuộc sống hiện tại, diễn tả những con người hôm nay, kịch nói Hà Nội còn từ cái “Hôm nay” mà nhìn lại “Hôm qua”. Những vở diễn về cuộc chiến tranh hôm qua trên Sân khấu Hà Nội, cũng là những vở nóng bỏng của cuộc sống xã hội hôm nay bởi: Vẫn những nhân vật ấy, thân phận ấy. Vở “Những linh hồn sống” và “Ăn mày dĩ vãng” đã làm được cái điều đó; Nếu như “Tôi và chúng ta”, những con người từ chiến tranh bước vào cuộc sống hòa bình bằng tư thế tự hào và phẩm chất của những chiến sỹ từng được tôi luyện trong chiến tranh, từng xem việc hy sinh vì đồng đội, hay xông lên phía trước là phẩm chất bình thường của người lính thì đến vở “Những linh hồn sống” con người của hôm nay lại với những dằn vặt đau khổ về cái sự thật trong chiến tranh đến nay đã bị vùi lấp. Hoặc những con người cao đẹp trong quá khứ thì đến nay đã bị tha hóa (Ăn mày dĩ vãng) đã nói lên điều đó.

Cảnh trong vở “Những linh hồn sống”

Cảnh trong vở “Ăn mày dĩ vãng”

Cảnh trong vở “Ăn mày dĩ vãng”

Ngày 13/10/1993 Đoàn Kịch nói Hà Nội được nâng cấp thành Nhà Hát Kịch Hà Nội. Với cơ cấu tổ chức: Ban giám đốc gồm NSƯT Hoàng Quân Tạo (Giám đốc), NSƯT Quốc Toàn, họa sỹ- NSƯT Nguyễn Ngọc Mỹ (Phó Giám đốc); 02 Đoàn diễn viên, Phòng Hành chính tổng hợp.

Một loạt vở diễn được dàn dựng trong thời kỳ này như: “Hà Nội đêm trở gió”, “Thị trường trái tim”, “Sám hối”, “Khoảng trống”…

“Hà Nội đêm trở gió”, tác giả: Chu Lai,  đạo diễn Hoàng Quân Tạo và một số vở khác không đơn thuần là sự phản ánh hiện thực nóng bỏng về những con người Hà Nội hôm nay, mà còn là sự tìm tòi khám phá, mổ xẻ những vấn đề nhức nhối mà cuộc sống đang đặt ra trong chúng ta. Buộc chúng ta phải đối mặt và hóa giải những mâu thuẫn, những hiện thực tiêu biểu trong cuộc sống đó theo chiều hướng tích cực.

Cảnh trong vở “Hà Nội đêm trở gió”

“Khoảng trống” tác giả Nguyễn Anh Biên, đạo diễn NSƯT Hoàng Quân Tạo.

Khoảng trống là câu chuyện mối tình tay ba nghiệt ngã, bạo liệt nhưng tôn trọng nhau. Nỗi đau đớn, éo le đến từ cái tốt, cái thiện. Diệu Loan (Kim Chi) yêu Trần Hoàng (Hoàng Dũng) khi họ ở tuổi 20. Nhưng những tính toán thời chiến của cô gái trẻ đã khiến họ không dám đi tới cùng hạnh phúc. Từ sự kính trọng người thầy (Trần Đức) cô đã lấy ông và có hai đứa con. Thời gian trôi qua tưởng như tất cả đã an bày, rồi sự trở về của Trần Hoàng lúc này đã trở thành một giáo sư triết có uy tín đã li dị vợ, làm trỗi dậy những tình cảm tưởng như đã nguôi ngoai trong lòng Diệu Loan. Trong lòng họ cứ lớn dần những hụt hẫng, chơi vơi trong hạnh phúc…

Cảnh trong vở “Khoảng trống”

Giai đoạn 1999-2014

V. GIAI ĐOẠN 1999-2014

Khoảng 15 năm trở lại Đoàn kịch vẫn giữ mục tiêu đã thành truyền thống là dàn dựng nhiều vở diễn đi vào đề tài Hà Nội, mạnh dạn khai thác các điểm  “Nóng” của đời sống xã hội, chính trị, người dân, đồng thời luôn ý thức tạo nên một phong cách biểu diễn mang sắc thái của những con người “Tràng An”. Nhà hát đã dựng 30 vở dài, trong đó 8 vở kịch bản nước ngoài gồm 2 vở cổ điển chống phong kiến, 2 vở chống phát xít, 4 vở mới phản ánh các khía cạnh của đời sống thường ngày gần gũi với sinh hoạt của nhân dân trong nước. Còn 22 vở đi vào các mặt của hiện thực cuộc sống. Đoàn đã mời nhiều nghệ sỹ tài năng giàu kinh nghiệm, giàu nhiệt huyết như các đạo diễn NSND Dương Ngọc Đức, NSND Đình Nghi, GS-NSND Đình Quang, NSƯT Đoàn Bá, NS Tạ Xuyên, NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Ngọc Phương, NSND Phạm Thị Thành và các hoạ sỹ Nguyễn Tiến Chung, Trần Lưu Hậu, NSND Phùng Huy Bính, Bùi Huy Hiếu, NSND Doãn Châu, các nhạc sỹ: Văn Chung, Hoàng Vân, Giáo sư nghệ sỹ Trọng Bằng, Đàm Linh, Đỗ Hồng Quân, Nguyễn Cường, Phó Đức Phương… Mỗi người mỗi tài năng, sở trường làm nghề góp phần làm nên thành công, vị thế của Nhà Hát Kịch Hà Nội.

Trong những năm đất nước chuyển mình sang cơ chế thị trường một loạt những vở diễn đã được dàn dựng

Vở “Ảo vọng” tác giả – Nguyễn Anh Biên, đạo diễn NSƯT Hoàng Quân Tạo. Đi sâu phản ánh và khắc họa những nhân vật người Hà Nội. Nhân vật Thành Hương (NSƯT Thu Hà thể hiện). Xuất thân từ một thiếu nữ quê mùa, sau khi lấy chồng là Thiện Tâm (NSƯT Hoàng Dũng thể hiện) chị lên Hà Nội sống, được chồng chăm lo cho một cuộc sống đầy đủ, chị đã rũ bỏ vẻ quê mùa thành một người Hà Nội xinh đẹp, giàu sang, làm phó giám đốc một công ty vàng bạc đá quý. Rồi vòng xoáy của danh vọng, tiền bạc đã đưa chị đi hết từ sai lầm này đến sai lầm khác…Thanh Hương là hiện thân của một số phụ nữ Hà Nội sống phù phiếm, lạc bước vào sai lầm, đánh mất hạnh phúc mình đang có, con cái hư hỏng, tổ ấm gia đình tan vỡ.

Cảnh trong vở “Ảo vọng”

Vở “Đời người giấc mộng” - Tác giả: Thanh Hương, đạo diễn NSƯT Hoàng Quân Tạo. Huệ, một phụ nữ xinh đẹp đã xếp đặt cuộc đời mình bằng hàng loạt toan tính. Công việc đầu tiên chị rắp tâm lấy lại ngôi biệt thự xinh đẹp của gia đình trước đó đã bị tịch thu giao cho một vị giáo sư, viện trưởng. Huệ đột ngột dứt bỏ người mình yêu để về làm vợ ông viện trưởng già nua và bất tài. Khi đã là bà chủ ngôi biệt thự, Huệ tiến hành dự án thứ hai nối lại mối tình xưa. Nguyễn Hưng, nhà khoa học tài năng, trẻ tuổi đã không cưỡng lại được ma lực của người yêu cũ anh bằng lòng lấy Phương, em gái Huệ rồi lấy đó làm tấm bình phong che mắt thiên hạ, để được tự do cặp kè bên Huệ. Khi Hưng sực tỉnh nhận ra âm mưu của Huệ, đã từ chối không tham gia công trình khoa học để giúp chồng Huệ  giữ ghế nữa, Huệ thẳng tay đưa người yêu vào nhà thương điên. Khi người chồng nhận biết sự thật, bộc lộ tâm địa muốn trừ khử cả hai- Huệ và Hưng thì Huệ đã nhanh tay hơn, hất chồng để tranh chức viện trưởng, đồng thời nắm được trong tay giấy chủ quyền ngôi biệt thự, đuổi cổ chồng ra đường. Và khi Huệ có được tất cả thì cũng chính là lúc Huệ mất đi tất cả , chị trở thành người phụ nữ cô độc. Khán giả được chứng kiến tài năng của nghệ sỹ ưu tú Hoàng Cúc trong vai Huệ, Với lối diễn trầm tĩnh, cảm xúc sâu thẳm đã tạo nên nhân vật Huệ của NSƯT Hoàng Cúc trở nên sống động khó quên trong lòng khán giả.

Cảnh trong vở “Đời người giấc mộng”

“Đứa con bị đánh cắp” (2004) của nhà văn Nguyễn Quang Lập, đạo điễn NSND Doãn Hoàng Giang.

Khởi đầu của câu chuyện “Đứa con bị đánh cắp” là việc vợ chồng ông Phạm – một gia đình giàu có nhưng cả 6 lần sinh con, chẳng may 6 đứa trẻ đều chết ngay từ khi mới chào đời. và ở lần thứ 6 không may mắn ông Phạm chợt nghĩ nhờ các y bác sỹ hỗ trợ tìm một đứa trẻ khác để đánh tráo đứa con xấu số của minh… Đúng lúc này vợ của ông Đức đạp xích lô – gia đình khốn khó, lại sinh đôi, ông lại say xỉn suốt ngày. trước hai hình ảnh đối lập của 2 gia đình, các y bác sỹ của kíp trực đã chấp nhận lời đề nghị khiếm nhã và tàn nhẫn của ông Phạm để vừa kiếm chút tiền, vừa xem như là “giúp” người khác. Chính từ sự đánh tráo này mà 20 năm sau, khi hai đứa trẻ song sinh Linh – Đàm trưởng thành, dẫn đến nhiều tình huống dở khóc, dở cười cho hai gia đình và nhiều người khác.

Nét đặc biệt ở đứa con bị đánh cắp là sự thể hiện khá sắc sảo của các diễn viên. Một NSƯT Trung Hiếu bản lĩnh, cùng lúc đảm nhận cả 2 vai diễn Linh – Đàm với 2 tính cách khác nhau, lột tả được hồn của từng nhân vật: Khi là kẻ phá phách, ngỗ nghịch, đáng ghét, lúc lại là thanh niên chăm học, ngoan hiền, điềm đạm, dễ mến…Bên cạnh đó, còn có một Đào Xuân Tiên – ông Đức đạp xích lô lỗ mãng, vô trách nhiệm với vợ con, hay một NSƯT Thu Hà dịu dàng trong vai cô hoa hậu…Tất cả làm nên một “Đứa con bị đánh cắp cuốn hút người xem”.

“Mùa hoa sữa” của tác giả Nguyễn Anh Biên, đạo diễn NSƯT Nguyễn Quốc Toàn là cuộc đấu tranh khốc liệt giữa những con người trong cùng một gia đình, dòng tộc để tranh giành ngôi nhà thờ tổ do ông bà tổ tiên để lại.

Vở diễn với sự tham gia của NSND Hoàng Dũng, NSND Hoàng Cúc, NSƯT Thu Hà, NSƯT Bích Thủy, NSƯT Công Lý cùng các nghệ sỹ Kim Xuyến, Tiến Minh, Tuấn Quang, Tiến Hợi, Thu Hạnh, Thu Hường, Phú Thăng.

Cảnh trong vở “Mùa hoa sữa”

Các vở: “Cát bụi”; “Điện thoại di động”; “Mắt phố” là những vở diễn dữ dội, tấn công trực diện vào cái xấu, cái ác để hướng tới cái chân- thiện- mỹ.

Vở “Cát bụi”- sự kiện một con tàu cháy ngoài khơi gây chết người làm chấn động dư luận. Tổng giám đốc Thúc Đại thừa cơ khai khống thiệt hại để thu lợi cho bản thân. Sự việc lộ tảy, Thúc Đại phải về hưu để xoa dịu dư luận, vốn là người túc trí đa mưu Thúc Đại thuê một nhà văn thất nghiệp là Tống Thoại viết sử truyền thống của công ty để lấy lại uy tín cho cá nhân. Khi biết chuyện Thúc Đại về hưu những người con của  Thúc Đại lần lượt trở về hối thúc cha phân chia tài sản, cuống trí, Thúc Đại nghe lời Ái Trinh – con gái út đi xem bói. Bất ngờ, vị thầy bói lại chính là Cả Khoa – kẻ tình địch năm nào cũng là cha của gã nhà văn tha hóa Tống Thoại. Cuộc gặp gỡ định mệnh giữa Cả Khoa và Thúc Đại đã lột trần toàn bộ quá khứ và cái mặt nạ giả nhân giả nghĩa của vị tổng giám đốc. Ông ta vốn là một kẻ tàn ác khét tiếng một vùng rồi bằng thủ đoạn đã có được địa vị cao trong xã hội. Vì nắm được quá khứ của Thúc Đại Cả Khoa “phán” rất đúng. Thúc Đại sợ quá khứ bị lộ tẩy nên nghe lời Cả Khoa viết lá sớ trần tình sám hối những tội lỗi mình đã gây ra. Tống Thoại về nhà bắt được lá sớ trần tình của Thúc Đại như bắt được vàng, nghĩ ngay đến việc dùng nó để tống tiền hòng thực hiện tham vọng đổi đời. Cả Khoa cũng không ngăn cản được mục đích điên rồ của con trai. Tống Thoại gặp Thúc Đại yêu cầu ông ta phải bỏ ra rất nhiều tiền nếu không muốn hắn công khai quá khứ vào cuốn sử. Đồng thời, Tống Thoại dựng đứng câu chuyện mình chính là kết quả của một vụ hiếp dâm mà Thúc Đại là thủ phạm để đòi 100 cây vàng cho sự im lặng. Sau đó, anh ta tán tỉnh Ái Trinh hòng trở thành con rể của Thúc Đại. Trước sức ép đòi phân chia tài sản của các con, Thúc Đại uất ức tuyên bố Duyên Bình không phải là con của ông ta mà là con của “thằng Dần”. Năm xưa từ một lái xe tiểu tốt ông ta đã cưới cô người tình đang mang bầu của ông để được cất nhắc lên vị trí cao hơn. Quá bẽ bàng, bà Tuyết Mai đã nói trắng ra sự thật trước các con rằng Mạc Đức và Ái Trinh cũng là con của người khác, là kết quả của mỗi lần Thúc Đại được cất nhắc lên vị trí cao hơn. Khi biết được sự thật đó Thúc Đại đã uất ức mà chết. Ở vở diễn này NSƯT Tiến Đạt đã giành được huy chương vàng cho vai diễn Thúc Đại, NSND Hoàng Dũng vai Cả Khoa giành huy chương vàng. Vở diễn đạt giải thưởng “Vở diễn ấn tượng nhất” do Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam trao tặng.

Cảnh trong vở “Cát bụi” (Tác giả, nhà văn Triệu Huấn, đạo diễn NSND Xuân Huyền)

* Vở “Điện thoại di động” (2005) tác giả: Nguyễn Quang Lập, đạo diễn NSND Hoàng Dũng.

Quang (nghệ sỹ Phú Thăng) người chồng, một doanh nhân chuyên lấy chữ tiền làm quan niệm sống bất chấp mọi thủ đoạn làm ăn phi pháp. Giữa lúc cây cầu trong dự án do Quang làm giám đốc  bị sập thì 3 chiếc điện thoại di động của ông ta bị mất thẻ sim. Lo sợ nhiều thông tin số điện thoại trong đó bị lộ, minh chứng của những mối quan hệ làm ăn mờ ám đã khiến ông ta bằng mọi cách tìm lại nó. Nhờ một hợp đồng trị giá hàng chục triệu đồng với thằng con trai tên Hòa (Công Lý thể hiện) nó đã mang về cho ông 3 chiếc sim. Mọi chuyện được sáng tở. Chính bà giúp việc đã ăn cắp 3 chiếc sim để cung cấp cho cơ quan điều tra vì theo bà chính Quang đã gián tiếp giết chết con gái bà bằng một vụ tai nạn giao thông dàn xếp để bịp đầu mối trong một vụ làm ăn bất chính, Quang đã rắp tâm dàn xếp vụ tai nạn giao thông để giết hại kế toán trưởng của công ty nhưng không may lại giết nhầm một người khác – chính là con gái bà giúp việc hiện tại của Quang. Vì muốn trả thù cho con gái, người giúp việc đã đến xin làm ô sin cho nhà Quang để tìm cơ hội trả thù cho con gái minh.

Bi kịch chồng chéo bi kịch, Quang phải nhận hậu quả vụ cây cầu bị sập do rút ruột công trinh; Vụ giết người diệt khẩu năm xưa cũng bị lộ tẩy…Cuối cùng chính Hạnh (Nghệ sỹ Kiều Thanh đóng) Cô con gái út đã khuyên bố đến công an nhận tội. Nhân vật Quang đã tự mang bi kịch đến cuộc đời mình và các con của mình.

Năm 2009, Nhà Hát mang vở “Điện thoại di động” tham gia Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc tại TP Hồ Chí Minh. Vở diễn được trao tặng Huy Chương Bạc, các nghệ sĩ Minh Hòa, Công Lý đạt Huy Chương Vàng; nghệ sĩ Phú Thăng, Kiều Thanh đạt Huy Chương Bạc.

Cảnh trong vở “Điện thoại di động”

Năm 2008, Hà Nội mở rộng địa dư hành chính, Đoàn kịch nói Hà Tây được sáp nhập vào Nhà Hát Kịch Hà Nội, trở thành Đoàn III của Nhà Hát Kịch Hà Nội. Ban lãnh đạo gồm: NSƯT Đức Quang Trưởng Đoàn, NS Linh Huệ Phó Đoàn.

Bắt nguồn từ Đoàn chèo lúa mới thành lập từ tháng 6/1958. Năm 1966, sau khi hai tỉnh Hà Đông, Sơn Tây hợp nhất thành Hà Tây, một số nghệ sỹ chèo chuyển sang tăng cường lực lượng cho đoàn Chèo Hà Tây (vốn là Đoàn Chèo Cổ Phong – Sơn Tây). Đoàn Chèo Lúa Mới đổi tên thành Đoàn Ca Múa Kịch Hà Tây.

Năm 1976, chính thức Đoàn Kịch Nói Hà Tây hoạt động chuyên biệt, chuyên nghiệp. Những vở Đoàn Kịch Nói Hà Tây đã dàn dựng và phục vụ công chúng khán giả: Chị Nhàn, Đôi Mắt, Bản danh sách điệp viên, Tiền tuyến gọi, Đảo thần vệ nữ (kịch nước ngoài).

Đoàn đã được nhận Huân chương lao động hạng Ba, Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì và nhiều Bằng khen. 03 nghệ sỹ được phong tặng nghệ sỹ ưu tú đó là: NS Vũ Phương, NS Đức Quang, NS Đặng Xuân Đồng.

Với 50 năm bề dày truyền thống Đoàn kịch nói Hà Tây đã gặt hái không ít những thành công trên bước đường nghệ thuật của mình, nay trở về Nhà Hát Kịch Hà Nội như được tiếp thêm sức mạnh, các nghệ sỹ, diễn viên vốn đam mê sáng tạo nghệ thuật thì nay niềm đam mê đó được nhân lên rõ rệt. Ngay khi về Hà Nội đoàn dàn dựng vở “Trái tim trong trắng” của tác giả Lưu Quang Vũ, đạo diễn NSND Hoàng Dũng. Và chùm hài kịch “Những sắc màu tình yêu”, “Những sắc màu cuộc sống”.

Tháng 9/2013, vở “Trái tim trong trắng” tham dự Liên hoan sân khấu kịch Lưu Quang Vũ. NSƯT Đức Quang, NSƯT Xuân Đồng, NS Tiến Huy, NS Diễm Hương đạt Huy Chương Bạc.

Cảnh trong vở “Trái tim trong trắng”

Năm 2009, Nhà Hát mời đạo diễn- NSND Phạm Thị Thành dựng vở “Mắt phố” của tác giả Nguyễn Quang Vinh.

Gia đình ông Minh vui mừng khi nhận được tin Lệ Quyên (NSƯT Hoàng Cúc thể hiện)-  người con gái cả đi làm ăn ở nước ngoài đã lâu, nay trở về Việt Nam. Cả gia đình hân hoan chào đón Quyên. Về lại ngôi nhà năm xưa, Lệ Quyên đã sốc khi căn biệt thự cổ đã bị Tráng (Tiến Minh thể hiện) – Cậu em út chia ra làm nhiều mảnh để bán lấy tiền xây biệt thự cho riêng mình hưởng thụ. Người cha già và các anh chị em vì quá hiền lành nên đã nghe theo sự sắp đặt của Tráng chấp nhận cho anh ta chia nhà ra để kinh doanh. Xót của, Lệ Quyên tìm cách để lấy lại những gì đã mất. Bày mưu tính kế, cuối cùng Quyên quyết định đưa Long xe lăn (nghệ sỹ Quốc Khánh) từ nước ngoài trở về giả làm đại gia đồ cổ để tán tỉnh Hạnh Ngân- vợ của Tráng (nghệ sỹ Thu Hạnh). Bằng việc vẽ ra các hợp đồng mua bán đồ cổ Long đã đựơc Hạnh Ngân tin theo, rồi trở thành bồ của anh ta lúc nào không hay. Long dụ dỗ Hạnh Ngân hành động theo một kịch bản do Long sắp đặt. Tham tiền, Tráng dồn tất cả tài sản hòng cất mẻ lưới lớn nhưng chỉ đến phút chót mới phát hiện ra là mình bị lừa. Và cũng chỉ đến lúc này, anh ta mới phát hiện ra trong sự việc này có Lệ Quyên đứng đằng sau. Sự thật được sáng tỏ Long xe lăn chính là chủ nợ của Quyên ở nước ngoài được Quyên đưa về Việt Nam để tìm cách lấy lại số tiền đã mất bằng cách bày trò lừa đảo chiếm đoạt. Một gia đình tưởng nhừ nề nếp gia phong đã hoàn toàn sụp đổ. Nào Tráng, Quyên, Hạnh Ngân… Tất cả họ đã rơi vào vòng xoáy nghiệt ngã của đồng tiền, khi mọi việc vỡ lở cũng là lúc đổ vỡ tất cả mối quan hệ ruột thịt. Nhưng bên cạnh những con người mải mê bằng mọi thủ đoạn quyết chiến để giành giật lợi ích cho mình. Thì vẫn còn đó hình ảnh người cha già (NSƯT Tiến Đạt) và Bà giáo (NSƯT Minh Vượng) và Dũng (NSƯT Trung Hiếu) đóng vẫn giữ được phẩm giá con người Hà Nội và dám sống cho  những lý tưởng đẹp đẽ.

Cảnh trong vở “Mắt phố”

Một số hình ảnh các vở diễn (1999-2014):

Cảnh trong vở “Thầy khoá làng tôi”

Cảnh trong vở “Ám ảnh xanh”

Cảnh trong vở “Hăm Lét”

* Chùm hài “Cười ơi 1”:

Cảnh trong tiết mục “Nhầm”


Cảnh trong tiết mục “Giấc mơ chồng ngoại”

Vở “Tình sử ngàn năm” năm 2010 của nhà văn nhà văn Nguyễn Quang Lập, đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang.

NSƯT Trung Hiếu đảm nhận vai chính Lý Thường Kiệt . NSƯT Thu Hà vào vai Thuận Khanh – người tình thủy chung của Lý Thường Kiệt. Vở diễn còn có sự tham gia của NSND Hoàng Dũng, NSƯT Minh Hoà và nhiều diễn viên khác. Vở diễn là một trong những vở sân khấu lớn được UBND thành phố, Sở VHTT&DL Hà Nội đầu tư hướng tới đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội.

Cảnh trong vở “Tình sử Ngàn năm”

Năm 2011 “Tháp đoạn hồn” kịch bản do NSND Doãn Hoàng Giang  phóng tác và đạo diễn, nhiều người xem xong đã thốt lên: “Ông đã biến điều không thể thành có thể”. Quả đúng là “Gừng càng già lại càng cay”.

Lời thoại kịch sâu sắc khi ông tóm lược lại chế độ nhu nhược và đê hèn dưới thời Hoàng hậu Margueritle. Tể tướng đầu chiều là kẻ ngu đần ít học, ngày ngày lên xe xuống ngựa, tìm niềm vui trong yến tiệc xa hoa. Vị quan trông coi ngân khố Quốc gia lại là “Con chuột to nhất” đục khoét của dân lành. Quan trông coi pháp luật thì chỉ biết xum xoe bợ đỡ, “Trợn mắt cùng đinh. Xun xoe với kẻ giàu có”. Trong xã hội đó, luân thường đạo lý bị đảo lộn, anh em chém giết lẫn nhau. Con cãi cha mẹ. NSƯT Thu Hà trong vai Margueritle, NSND Hoàng Dũng trong vai Buriđan.

Cảnh trong vở “Tháp đoạn hồn”

Năm 2012, Nhà Hát để tham gia liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc tại Huế. Nhà Hát Kịch Hà Nội dựng vở “Những mặt người thấp thoáng”, kịch bản nhà văn Xuân Đức, đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang. Vở diễn đã đạt Huy Chương Vàng, các cá nhân NSƯT Tiến Đạt, NSƯT Trung Hiếu đạt Huy Chương Vàng, NSƯT Thu Hà, NSƯT Tiến Minh đạt Huy Chương Bạc. Cuối năm 2012, vở diễn còn được 02 giải A do Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và Hội nghệ sĩ sân khấu Hà Nội trao tặng.

Cảnh trong vở “Những mặt người thấp thoáng”

“Đảo thần Vệ nữ ”(2012) là kiệt tác sân khấu của tác giả Tacnix (Hy Lạp). NSND Doãn Hoàng Giang làm đạo diễn đã – đang thu hút được sự quan tâm của đông đảo khán giả . Với sự tham gia diễn xuất của các nghệ sỹ, diễn viên Nhà Hát Kịch Hà Nội: NSND Minh Hòa, NSƯT Thu Hà, NSƯT Trung Hiếu, NSƯT Tiến Đạt, và các nghệ sỹ Kiều Thanh, Thiện Tùng, Tiến Minh…Đây thực sự là điều đáng mừng trong không khí khá yên ắng của sân khấu kịch Thủ đô thời gian này.

Cảnh trong vở “Đảo thần Vệ nữ”

Cũng trong năm 2012, Nhà Hát dựng kịch bản “Ông không phải là bố tôi” của tác giả Lưu Quang Vũ, đạo diễn – NGƯT Phan Trọng Thành.

“Ông không phải là bố tôi” là một bài học sâu sắc về quy luật nhân – quả và dưới ngòi bút của tác giả Lưu Quang Vũ, tác phẩm ấy vẫn có sức sống lâu bền, có khả năng thức tỉnh lương tri và chuyên trở những giá trị nhân văn tốt đẹp.

Vở diễn tham dự Liên hoan sân khấu kịch Lưu Quang Vũ tháng 9/2013. Nghệ sĩ Chí Nhân đạt Huy Chương Vàng. NSƯT Công Lý, NS Phú Thăng đạt Huy Chương Bạc.

Cảnh trong vở “Ông không phải là bố tôi”

“Tiếng đàn vùng Mê Thảo”(2013) đạo diễn-NSND Doãn Hoàng Giang.

Sự trau chuốt của ngôn từ trong truyện ngắn “Chùa Đàn” của Nguyễn Tuân đã được tác giả Tất Thắng chuyển thể thành kịch bản “Tiếng đàn vùng Mê Thảo”. Không bình thường xoay quanh một phụ nữ đẹp, thanh tao, thân phận bí ẩn là Thị Tơ. Nhân vật này xuất hiện ở ấp Mê Thảo trong tình trạng thương tích khá nặng do bị truy đuổi. Được cưu mang, cô đã đem tới một không khí mê hoặc cho những người đàn ông nơi đây. Ông chủ đất Mê Thảo mê tài xao tẩm và pha trà, trợ thủ đắc lực của ông, danh cầm Bá Nhỡ thì đắm say tiếng hát ngọt ngào trong những đêm trăng. Nhưng rồi trong cuộc thi tài đánh đàn tại ấp Mê Thảo người đàn ông của Thị Tơ đã tới, được tôn vinh như đệ nhất danh cầm và phần thưởng xứng đáng là người vợ mà ông cất công tìm kiếm bấy nay. Bàn tay dàn dựng tài hoa của đạo diễn- NSND Doãn Hoàng Giang đã đem tới một phiên bản sân khấu dễ xem, dễ cảm nhận hơn so với kịch bản giàu tính nghệ thuật.

Tuyến nhân vật chính như vai ông chủ do NSƯT Trung Hiếu đảm nhiệm, bà chủ của NSƯT Thu Hà, Bá Nhỡ – NSND Hoàng Dũng, Thị Tơ (Kiều Thanh), Lê Thiện Tùng (Chánh đàn)…

Sự thêm vào nhân vật hầu gái Tít (Diệu Linh) như vai hề chèo với những trò diễn khá tốt, hay nhân vật do Công Lý thủ vai. Đã làm mềm mại hơn, đời hơn cho những cảnh diễn quyết liệt. Những ngôi sao sáng của Nhà Hát đã hoàn thành tốt các vai diễn của mình.

Cảnh trong vở “Tiếng đàn vùng Mê Thảo”

Cũng trong năm 2013, Nhà Hát cho ra mắt một vở chính kịch và hai chùm hài kịch do các nghệ sĩ Đoàn kịch 2 và Đoàn kịch 3 biểu diễn.

* Chùm hài “Cười ơi 2”:

Cảnh trong tiết mục “Thoát cõi u mê”

Cảnh trong tiết mục “Mua hàng trúng thưởng”

Cảnh trong tiết mục “Sinh viên quý tộc”


Cảnh trong tiết mục “Di sản văn hoá”

Vở “Điệp khúc vi-rút” của nhà văn Xuân Đức, đạo diễn NSND Hoàng Dũng đi sâu vào góc khuất ẩn trong từng con người của xã hội hiện đại. Khác với các kịch bản đấu tranh quyết liệt với nạn tham nhũng của những kẻ có chức, có quyền, ở kịch bản này, nhà văn muốn đánh động một cách sâu sắc hơn sự băng hoại đạo đức của xã hội, đem cái nhìn giàu tính phê phán đối với những đánh giá, nhìn nhận về con người, về cách ứng xử…

Vở diễn với sự tham gia của các nghệ sĩ: NSƯT Tiến Đạt, NSƯT Thu Hà, NSƯT Công Lý và các nghệ sĩ Hồng Đăng, Thùy Linh, Ngọc Quỳnh…

Cảnh trong vở “Điệp khúc vi-rút”

Chào mừng 60 năm ngày giải phóng thủ đô. Chào đón 55 năm ngày ra đời của Đoàn Kịch Nói Hà Nội nay là Nhà Hát Kịch Hà Nội. Nhà Hát dàn dựng vở “Những người con Hà Nội”. Đây là một tác phẩm được Nhà Hát đầu tư công phu, như điểm nhấn trong công tác nghệ thuật năm 2014. Đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang với phong cách dàn dựng rất riêng của mình đã cho ra mắt công trình nghệ thuật mang tên “Những người con Hà Nôị” Của tác giả Phạm Văn Quý khá ấn tượng.

Với trang trí đẹp, sự thổi hồn của tác giả, đạo diễn cho những ngôn từ hào sảng của một thời khiến những câu thoại lay động lòng người. Đạo diễn đã dụng công để “truyền lửa”, của một thời đại rừng rực sức chiến đấu, một không khí hết sức lãng mạn của thời điểm đặc biệt của dân tộc. Những con người đặc biệt như một tay anh chị Ba Hổ, một cô đầu Kiều Loan… làm cho vở diễn đời hơn, dung dị hơn, thoát được sự căng cứng vốn có ở những đêm diễn có tính chất “Hướng về dịp kỷ niệm”. Trang trí vở diễn kéo dài từ sảnh vào sân khấu với những bức tường của các căn hộ phố cổ được đục thông sang nhau rất gợi cảm, duy mỹ…

Dàn diễn viên của Nhà Hát với những nghệ sỹ được đông đảo công chúng yêu mến, quen mặt thuộc tên như: NSND Minh Hoà, NSƯT Xuân Đồng, NSƯT Tiến Đạt, NSƯTCông Lý, NS Kiều Thanh…Và những diễn viên trẻ tiềm năng như Quang Minh, Thanh Hường…Với một đạo diễn kỳ cựu như NSND Doãn Hoàng Giang, cách xử lý hai cái chết của hai chiến sỹ vệ quốc quân hào hùng như hạng võ, Khánh Linh đã tạo nên sự cuốn hút bất ngờ.

Cảnh trong vở “Những người con Hà Nội”

* Một số hình ảnh lưu diễn nước ngoài của các nghệ sĩ Nhà Hát Kịch Hà Nội:

Ảnh các nghệ sĩ Nhà Hát lưu diễn tại Liên hoan sân khấu quốc tế MaSan- Hàn Quốc 2011

Ảnh các nghệ sĩ Nhà Hát lưu diễn tại Liên hoan sân khấu quốc tế MaSan- Hàn Quốc 2012

Ảnh các nghệ sĩ Nhà Hát lưu diễn tại Liên hoan sân khấu quốc tế MaSan- Hàn Quốc 2013

 

Giai đoạn 2014 - 2019

VI. GIAI ĐOẠN 2014 - 2019

        Nhà hát Kịch Hà Nội vẫn trung thành với truyền thống chọn cho mình con đường riêng trong việc lựa chọn những kịch bản để đưa lên sàn diễn.           

         Năm 2014 trở lại đây. Nhà hát đã dựng 15 vở diễn, trong đó có 10 vở diễn lớn và 05 chùm kịch ngắn; ngoài ra Nhà hát đã dàn dựng được 05 chương trình biểu diễn phục vụ các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước.

Cuối năm 2014, Nhà hát đã dàn dựng chùm hài kịch "Cười ơi 3" gồm 04 tiểu phẩm: "Tình huống khó xử", "Lời ong tiếng ve", "Không đòi quà", "Ai cho tôi tình yêu" 

*Một số hình ảnh của Cười ơi 3:

TAnh_huang_khA_xa__2.jpg (1053×702)

 

Cảnh trong vở "Tình huống khó xử"

 

ai_cho_tAi_tyeu_3.jpg (1053×702)

Cảnh trong vở "Ai cho tôi tình yêu"

Lai_ong_tiang_ve_4.jpg (1053×702)

NS Mai Huyền và NS Việt Dũng trong vở "Lời ong tiếng ve"

 

 

khAng_AAi_quA_2.jpg (1053×702)

Cảnh trong vở "Không đòi quà"

Trong năm 2015, Nhà Hát đã tìm đọc và dàn dựng được 02 vở mới, đó là vở “Bỉ vỏ” của nhà viết kịch Nguyễn Đăng Thanh, đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang.

       Vở diễn "Bỉ vỏ" của nhà viết kịch Nguyễn Đăng Thanh, đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang đã thể hiện một cái nhìn sâu sắc, quyết liệt, một không khí "kịch dữ dội", một đời sống "nóng bỏng" với các mẫu người điển hình của cuộc sống hôm nay được chăm chút, gây dựng và thể hiện tinh tế đến phút cuối cùng. Nhân vật Tám Bính do NS Thu Hà thể hiện– một cô gái ngây thơ tin cuộc đời như yêu Chúa, bị xô đẩy trở thành dân giang hồ khét tiếng. Tám Bính trải qua nhiều nỗi đau, mất mát cùng cực. Cô bị lừa gạt, phụ tình, sinh con một mình rồi bị tước mất con. Lên thành phố, cô gái xinh đẹp bị hãm hiếp, bị đưa vào nhà thổ, rồi được tay đàn anh giang hồ khét tiếng Năm Sài Gòn chuộc về làm vợ. Trải qua bao thăng trầm và trở thành người đàn bà trộm cắp nổi tiếng, Tám Bính cùng chồng dọc ngang hành nghề tại đất cảng. Một lần, băng đảng bắt cóc một đứa trẻ đeo đầy vàng bạc, quá trình chạy trốn đã khiến đứa trẻ chết ngạt. Trớ trêu thay, đứa bé có cái bớt trên trán ấy chính là đứa con của Tám Bính bị tước đi thuở nào…

Ba_Va_-_ae_01.jpg (1024×569)

IMG_4355_copy.jpg (1024×683)

Cảnh trong vở diễn "Bỉ vỏ" (NSND Trung Hiếu vai Năm Sài Gòn, NSƯT Thu Hà vai Tám Bính)

Tháng 6/2015, Nhà Hát đã tham gia Cuộc thi nghệ thuật sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc tại Tỉnh Thanh Hóa với 03 vở diễn là vở “Bỉ vỏ”, vở “Tiếng đàn vùng Mê Thảo”, vở “Điệp khúc vi rút”. Kết quả đạt được:

       Vở “Điệp khúc vi rút” đạt Huy Chương Vàng.

       Vở “Bỉ vỏ” đạt Huy Chương Bạc.

       05 nghệ sĩ diễn viên đạt Huy Chương Vàng (NSƯT Trung Hiếu, NSƯT Công Lý, NSƯT Thu Hà, NS Phạm Thị Thanh Huệ, NS Phạm Tiến Lộc).

       11 nghệ sĩ diễn viên đạt Huy Chương Bạc (NSƯT Tiến Đạt, NS Tiến Minh, Hồng Đăng, Mạnh Hà, Mạnh Kiên, Mai Huyền, Thùy Anh, Thiện Tùng, Chí Nhân, Kiều Thanh, Hoàng Thị Diệu Linh).

           Vở "Sự sắp đặt của số phận" của Nhà văn Xuân Đức, Đạo diễn NSND Hoàng Dũng. Vở kịch là câu chuyện kể  về vấn đề nhân sự của một Công ty xây dựng, nơi chất chứa  và ngự trị những thủ đoạn lừa lọc tinh vi mà Hạnh - một cô gái trẻ mới học hết phổ thông là nạn nhân. Vượt qua mọi gian khó, nhờ có sự giúp đỡ của bạn bè, người thân và đồng nghiệp, Hạnh đã tìm được hạnh phúc chân chính, giản đơn và ý nghĩa cho cuộc đời mình, cô mạnh mẽ và sẵn sàng chối bỏ cuộc hôn nhân vụ lợi mang tính vay-trả với gia đình Tổng giám đốc - người đã về tận quê đưa Hạnh lên Hà Nội làm việc. Nhưng tất cả những sự "giúp đỡ" của vị Tổng giám đốc đó với Hạnh đều là sự sắp xếp của một kẻ cơ hội nham hiểm và đểu cáng, nó làm cho cuộc đời Hạnh cứ thế bị quấn vào vòng xoáy định mệnh...Với tính cách trong sáng và trung thực của Hạnh, sự chở che đùm bọc của những tấm lòng nhân hậu ở xung quanh cô và cả sự hướng thiện, biết ăn năn hối lỗi của những con người từng có lúc yếu hèn, sa ngã đã giúp cho Hạnh đủ sức mạnh và bản lĩnh để thay đổi tương lai hạnh phúc của chính mình.

 

IMG_3400_copy.jpg (2048×1365)

IMG_2820_copy.jpg (2048×1365)

Cảnh trong vở "Sự sắp đặt của số phận"

         Tháng 3/2016 Nhà hát đã dựng vở “Nữ hoàng băng giá”, biên kịch Quân Anh, đạo diễn NSƯT Thu Hạnh. Đây là vở diễn được dàn dựng, biểu diễn theo phương thức xã hội hóa.

“Nữ hoàng băng giá” là một câu chuyện kể về những phép thuật được giấu kín của công chúa Lensa ở Vương quốc băng giá. Vào một ngày nọ, công chúa vô tình hóa băng em gái khiến cho cả vương quốc hoảng sợ. Nhân cơ hội đó tên tướng cướp Hens đã lẻn vào và chiếm lấy ngôi báu từ tay nhà vua của Vương quốc băng. Cuộc chiến đấu của Lensa và tướng cướp Hens sẽ diễn ra như thế nào? Ai sẽ là người chiến thắng?

Cảnh trong vở diễn "Nữ hoàng băng giá"

          Bên cạnh những vở diễn dài, Nhà hát cũng đầu tư dàn dựng những chùm kịch ngắn, hài kịch để làm phong phú hình ảnh và phục vụ các tầng lớp, dành cho mọi lứa tuổi. Chùm hài kịch "Cười ơi 4" gồm các tiểu phẩm “Bữa cuối”, “Xuân Hè Thu Đông”, “Cảnh ngộ” của tác giả Quân Anh, “Bố vợ thông thái” của tác giả Đinh Tiến Dũng. Đạo diễn NSƯT Công Lý.                

Tiểu phẩm "Cảnh ngộ": Là câu chuyện kể về những tình huống của những hoàn cảnh éo le và đáng thương, chỉ vì cuộc sống và hoàn cảnh khó khăn mà con người ta có thể nghĩ ra thật nhiều cách cũng như dùng nhiều thủ đoạn để làm tiền người khác mặc dù bản thân họ cũng không hề muốn...Nhưng cuộc sống luôn mang đến rất nhiều những bất ngờ, đó là khi ta gặp được người tốt, có cùng cảnh ngộ thì những khó khăn sẽ được sẻ chia...

Tiểu phẩm "Bữa cuối": Bữa cuối là buổi gặp gỡ quan viên hai họ của 2 bên cô dâu và chú rể là để kết thúc 6 năm tình nghĩa vợ chồng. Thủ tục chia tay được tổ chức như một tiệc cưới chỉ khác là không khí u ám và không có một tiếng cười nào. Đây cũng là lúc cô dâu chú rể được nói những lời cuối cùng dành cho nhau. Họ ôn lại chuyện cũ, từ cái ngày họ gặp nhau... rồi những tình huống, những câu chuyện và những "quy định" của nhà hàng ly hôn đã làm 2 người nhận thấy rằng: họ vẫn còn yêu nhau...Chỉ vì cuộc sống bộn bề mà họ thờ ơ, hờ hững và  dành quá ít thời gian cho nhau, chưa thực sự hiểu nhau, chưa có sự cảm thông và sẻ chia lẫn nhau...

Tiểu phẩm "Sự trả thù ngọt ngào": Tình bạn phải được xây dựng từ những cảm xúc chân thành, sự cảm thông và thấu hiểu..đặc biệt là phải có sự tôn trọng lẫn nhau. Mọi sự trêu đùa vượt quá giới hạn, ăn miếng trả miếng và thiếu sự tôn trọng thì tình bạn sẽ không thể bền lâu.

Tiểu phẩm "Bố vợ thông thái": Tiểu phẩm phê phán cung cách làm ăn chộp giật, lừa đảo của hệ thống bán hàng đa cấp, chúng nhằm vào những người nhẹ dạ cả tin thậm chí cả người thân để kiếm tiền và làm giàu một cách nhanh chóng. Nhiều người đã chỉ vì tin tưởng và cũng một phần vì ham rẻ nên đã "tiền mất tật mang"...nhiều lần bị lừa nên cũng đã "khôn" hơn và rồi lại làm cho chính những kẻ bán hàng lừa đảo kia rơi vào bẫy của mình. Thông điệp của câu chuyện là chỉ có làm ăn chính đáng, lương thiện mới có thể tồn tại bền lâu được và những kẻ làm ăn chộp giật thì sớm muộn cũng sẽ thất bại mà thôi.

IMG_1124.jpg (800×534)

                                                              NSND Công Lý và NSƯT Mai Huyền trong "Cười ơi 4".          

           Tháng 8/2016 Nhà hát đã tìm đọc và dàn dựng vở “Vùng lạnh” của tác giả nhà văn Xuân Đức, đạo diễn NSND Hoàng Dũng.

Nội dung kịch bản chân thực, sâu lắng; lối diễn xuất tinh tế, rất thực, rất đời của các diễn viên Nhà hát Kịch Hà Nội. Dưới bàn tay đạo diễn tài hoa của NSND Hoàng Dũng, “Vùng lạnh” như lời nhắc nhở chúng ta – Những người sống trong “thời buổi này” về lẽ sống, thái độ sống.

Bên cạnh những con người đã, đang và sẽ sống để cống hiến, sống để xây đời như thế hệ của ông Trần Do, ông Tô Hoàng, ông Nguyễn Sinh, và thế hệ trẻ ngày nay như cô nhà báo Bích; thì đâu đó vẫn tồn tại một “vùng lạnh” trong xã hội, một bộ phận những con người vô cảm trước nỗi đau của đồng loại, vô cảm trước những thực trạng nhức nhối của xã hội.  “Bom đạn có thể giết chết một chiến sĩ, một tiểu đội, thậm chí giết chết cả một tiểu đoàn. Nhưng sự vô cảm nếu trở thành căn bệnh của xã hội thì có thể giết chết cả dân tộc.”(Trích đoạn lời thoại nhân vật ông Tô Hoàng). Vậy tại sao chúng ta không làm một điều gì đó để thay đổi, để cho mọi thứ tốt đẹp hơn? Đó chính là thông điệp mà tác phẩm muốn gửi gắm đến người xem.

 

A.jpg (1404×916)

 

2.jpg (1263×1073)

 Cảnh trong vở "Vùng lạnh"

Nhà Hát đã xây dựng 01 chương trình biểu diễn phục vụ cộng đồng người Việt Nam tại CH Ba Lan, CH Séc, CH Hungari, CHLB Đức. Đó là vở “Điện thoại di động”, chùm hài kịch “Văn mình vợ người” và “Di sản văn hóa”. 

          Bám sát những đề tài nóng bỏng, bộn bề của đời sống, làm nên hấp dẫn của Kịch Hà Nội cũng như xu thế vận hành của Nhà hát. Năm 2017 Nhà Hát đã tìm đọc và dàn dựng được 05 kịch bản mới: Vở “Đứa con tội phạm” của tác giả Lê Trí Chung. Đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang; Chùm hài kịch “Oái oăm...Đời 1!” của tác giả Đinh Tiến Dũng. Đạo diễn NSND Lê Hùng; Vở “Hai viên ngọc thần” của tác giả Nhật Linh. Đạo diễn NSND Tuấn Hải; Chùm hài kịch “Chuyện bình thường ở phường” của tác giả Đinh Tiến Dũng. Đạo diễn NSND Tuấn Hải; Vở “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của tác giả Lê Mạnh Hùng. Đạo diễn NSND Lê Hùng;

 Tháng 3/2017 Nhà hát đã cho dàn dựng Chùm hài kịch " Oái oăm... đời 1" của tác giả kịch bản Đinh Tiến Dũng; Đạo diễn NSND Lê Hùng. Chùm hài "Oái oăm ... đời 1!" là những tiếng cười hài hước, dí dỏm xoay quanh cuộc sống hiện đại ngày nay. Những câu chuyện "oái oăm", dở khóc dở cười được thể hiện qua 4 tiểu phẩm: "Hiệp hội những người khôn", "Mày là bố tao", "Phòng tìm duyên", "Người giàu cũng khổ"

Đúng như tên gọi, các tiểu phẩm được lấy ý tưởng từ những câu chuyện “oái oăm”, dở khóc dở cười trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Tiểu phẩm “Hiệp hội những người khôn” xoay quanh vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là tiếng chuông cảnh tỉnh về thói làm ăn gian dối, bất chấp mọi thủ đoạn để làm giàu mưu lợi cá nhân của một bộ phận không nhỏ những người nông dân thời hiện đại.

Với chủ đề tình yêu, “Phòng tìm duyên” gửi đến khán giả một thông điệp: Hạnh phúc đôi khi lại ở ngay bên cạnh mà ta cứ mất công tìm kiếm mãi đâu. Tiểu phẩm “Mày là bố tao” mang đến cho người xem một tình huống “oái oăm” của mối tình “chú-cháu”. Nhưng sau tất cả, sức mạnh của tình yêu đích thực vẫn vượt qua mọi ranh giới của tuổi tác, hoàn cảnh, định kiến …

Kết thúc chùm hài “Oái oăm … Đời!” là tiểu phẩm “Người giàu cũng khổ”. Với chủ đề “hậu đền bù ruộng đất và những hệ lụy”, những người nông dân bỗng nhiên có một số tiền quá lớn mà không phải do sức lao động của mình làm ra, dẫn đến hậu quả con cái ăn chơi học đòi, mất tiền mất của, gia đình lao đao khốn đốn… Tiểu phẩm “Người giàu cũng khổ” là tấn bi hài kịch của không ít các gia đình thuần nông hiện nay.

Một số cảnh trong Chùm hài "Oái oăm....đời 1"

Tháng 6/2019 ra mắt vở diễn "Đứa con tội phạm" (Tác giả: Lê Chí Trung, đạo diễn: NSND Doãn Hoàng Giang) là mang hơi thở và màu sắc của cuộc sống hiện đại. Vở diễn khắc họa tình phụ tử thiêng liêng, người cha cho con hình hài, cho con cuộc sống và dạy cho con những đạo lý làm người, biết yêu thương, biết sống có ích, biết thương xót con người và biết tự chịu trách nhiệm trước hành vi và tội lỗi mà mình đã gây ra... 

“Đứa con tội phạm” lấy bối cảnh của cuộc sống hiện đại, câu chuyện xảy ra xoay quanh gia đình ông Kim – Thứ trưởng có cậu quý tử độc nhất vì những bất mãn với gia đình mà có lối sống ngang ngược, bất cần. Chính lối sống “công tử con quan” đó của Nam đã gây ra tai nạn khủng khiếp cho Vũ Lê Thái – Một nghệ sĩ múa nổi tiếng.

Ông Kim đau khổ và giằng xé nội tâm khi phải đứng trước sự lựa chọn đưa con trai duy nhất của mình ra đầu thú hay sẽ thoả hiệp với tội ác để con trai được thoát tội. Tình phụ tử là điều thiêng liêng và đôi khi nó khiến ông lạc hướng trước sự lựa chọn giữa “đúng” và “sai”. “Tội ác không bị trừng phạt, không bị ngăn chặn thì tội ác sẽ vẫn có đường lấn tới. Luật pháp không phải chỉ dành riêng cho những người dân đen thấp cổ bé họng phải chịu đựng. Mà luật pháp phải dành cho tất cả, dành cho cả những đứa con ông cháu cha, những kẻ quyền thế.”. Đó chính là thông điệp mà vở “Đứa con tội phạm”  muốn truyền tải tới khán giả.

 

2_1.jpg (2592×1728)

Hình ảnh trong vở "Đứa con tội phạm". Tác giả Lê Chí Trung. Đạo diễn - NSND Doãn Hoàng Giang

   Vở diễn "Hai viên ngọc thần" (hay Sự tích Dã Tràng) dựa trên câu chuyện cổ tích dân gian Viêt Nam về con Dã Tràng: "Dã Tràng xe cát biển Đông. Nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì." được Nhà hát Kịch Hà Nội dàn dựng vào tháng 9/2017.

Câu chuyện kể về anh nông dân Dã Tràng thật thà, tốt bụng sống cùng người vợ ở thôn quê. Chính nhờ đức tính ăn ở hiền lành, nhân nghĩa mà anh đã được Rắn hổ mang và loài Ngỗng tặng cho hai viên ngọc thần. Một viên giúp anh nghe hiểu ngôn ngữ của muôn loài, còn một viên thì giúp anh có thể đi lại thoải mái dưới nước. Anh đã dùng hai viên ngọc quý ấy để làm nhiều việc có ích, giúp nước, giúp dân. Chính tấm lòng nhân ái và đức tính đáng quý đó mà anh được bà con chòm xóm yêu thương, nể trọng.

Tuy vậy, cô vợ của Dã Tràng vì ham muốn có cuộc sống giàu sang, sung túc đã rắp tâm phản bội lại người chồng. Cô đã bày mưu lấy trộm ngọc thần từ người chồng thật thà, chung thuỷ dâng lên Long Vương. Quá tức giận vì người vợ phản bội, Dã Tràng quyết tâm ngày ngày ra bờ biển se cát lấp biển để tìm đường xuống Long Cung đòi lại ngọc quý…

Một số cảnh trong vở "Hai viên ngọc thần" (hay Sự tích dã tràng). Kịch bản: Nhật Linh. Đạo diễn: NSND Tuấn Hải

            Tháng 10/2017 Nhà hát dàn dựng vở diễn "Mảnh đất lắm người nhiều ma". Kịch bản Lê Mạnh Hùng; đạo diễn NSND Lê Huyền. Đây là bức tranh nông thôn chân thực trong thời kỳ đổi mới; vở diễn thể hiện sâu sắc những vấn đề chìm và nổi, bề mặt và chiều sâu của các vấn đề gia tộc và dòng họ, hôn nhân và gia đình, các mối quan hệ công và tư, quan hệ làng xóm và lề thói trong xã hội nông thôn...

            Câu chuyện xoay quanh mối thù hận, tranh chấp, đấu đá kéo dài từ nhiều đời giữa 2 dòng họ Vũ Đình và Trịnh Bá ở làng Giếng Chùa, mà đại diện chính là ông Vũ Đình Phúc (trưởng họ Vũ) và anh em nhà Trịnh Bá Hàm (trưởng họ Trịnh), Trịnh Bá Thủ (em ông Hàm-bí thư Đảng ủy xã). Sự đấu đá cá nhân đó còn được đẩy lên thành việc kéo bè cánh, xây dựng bè phái trong bộ máy chính quyền xã. Vì mối thù dòng họ, vì nỗi hận cá nhân mà họ sẵn sàng không từ thủ đoạn nào để hãm hại nhau, hạ bệ nhau bất chấp lợi ích chung và xu thế phát triển chung của xã hội. Những con người ấy vừa là tội nhân vừa là nạn nhân, vừa đáng thương vừa đáng trách. Những hệ lụy từ mối thù truyền kiếp này khiến cho số phận những con người như bà Son, Đào, Tùng, ông Hàm, ông Thủ, ông Phúc...bị rơi vào vòng xoáy khắc nghiệt tưởng chừng như không có hồi kết. Tuy vậy, bên cạnh những thế lực đen tối vẫn có những người đảng viên tốt dám vượt lên định kiến của dòng tộc, muốn xóa bỏ những bóng đen hắc ám trong Chi bộ Đảng, muốn làm trong sạch đội ngũ để xây dựng quê hương vững mạnh như Tùng (họ Vũ Đình), và Đào (con gái ông Hàm - họ Trịnh Bá) - những con người của thế hệ mới như một tia hi vọng, một lối thoát cho bế tắc này. Tình yêu và hôn nhân của họ chắc chắn sẽ đủ sức mạnh để xóa tan mọi thù hằn, mâu thuẫn truyền kiếp giữa 2 dòng họ.

Cảnh trong vở "Mảnh đất lắm người nhiều ma" (Tác giả Lê Mạnh Hùng; Đạo diễn NSND Lê Hùng)

         Chùm hài kịch "Chuyện bình thường ở phường" gồm 04 tiểu phẩm: Của hiếm, Bán ghế tầm sư, Bảo bối và Thời thế thế thời.
Mỗi tiểu phẩm là những câu chuyện trào phúng về những tình huống bi hài, không hay xảy ra trong cuộc sống. Những thói xấu, những hành vi ứng xử không đẹp nơi công sở cần được nhìn nhận rõ ràng để phê phán và loại bỏ, nhằm tiến tới một môi trường làm việc văn minh, hiện đại. Từ đó cũng gửi gắm thông điệp về việc chấn chỉnh tác phong cán bộ cơ sở trong quan hệ với công dân, đồng nghiệp. xây dựng đời sống văn minh, thanh lịch, hoạt động kinh doanh văn hóa theo quy định, lành mạnh và thiết thực.

Mỗi tiểu phẩm là một câu chuyện với những tình huống bi hài nhưng cũng đáng để suy ngẫm về việc cải cách thủ tục hành chính, văn minh nơi công sở.

Với "Của hiếm", tiểu phẩm kể câu chuyện về một chàng trai trẻ sau 3 năm thất nghiệp, xin được vào một Công ty nhưng ở đây chỉ có mỗi bảo vệ là nhân viên, kiêm luôn "nhân viên phụ tá" đủ mọi việc, còn lại là giám đốc với các trưởng phòng. Nhân sự mới xuất hiện, làm nổ ra cuộc tranh giành tưng bừng giữa các trưởng phòng.

24796435_290310301477354_2902301273774531907_n.jpg (960×626)

Cảnh trong tiểu phẩm "Của hiếm"

Trong tiểu phẩm "Bán ghế tầm sư" một cửa hàng bán bàn ghế phất lên nhờ bán hàng cho các đại gia, quan chức, trông mặt mà bắt hình dong, theo vai vế, tiền của mà "hét"giá trên trời, lợi dụng cả việc biếu ghế để xin xỏ chức tước, danh vọng.

24312831_290310418144009_1252035942538719225_n.jpg (960×572)

Cảnh trong tiểu phẩm "Bán ghế tầm sư" 

Tiểu phẩm "Bảo bối" nêu lên một thực trạng đang tồn tại trong rất nhiều những cơ quan công quyền của Việt Nam, là những đòi hỏi nhiêu khê trong thủ tục hành chính ở một phường với cách làm điển hình là thái độ làm việc hạch sách của cán bộ phường. Câu chuyện xoáy vào nụ cười cay đắng khi chính chủ tịch quận và ông trợ lý đã về hưu được vài năm, nay lên phường xin xác nhận chữ ký thì lại bị đòi hỏi nhiêu khê, khó dễ đủ đường, rồi cuối cùng cũng phải rút tiền "bôi trơn" để được việc và họ tự nhận ra đó cũng chính là sản phẩm của chính mình.

Cảnh trong tiểu phẩm "Thời thế thế thời"

Cuối cùng, "Thời thế thế thời" phản ánh tình trạng "con ông cháu cha" vẫn hiện hữu đâu đó trong các cơ quan nhà nước... Câu chuyện đả phá tệ bổ nhiệm người thân vào vị trí lãnh đạo ở cấp quận, phường, tranh thủ những cơ hội béo bở để kiếm lời từ cơ chế. Đồng thời phê phán những chỉ đạo, hoạt động hình thức, chủ quan, không phù hợp với hoàng cảnh địa bàn, bị phản đối, như ý định tổ chức cho các cụ cao tuổi nhảy hiphop, đọc rap...

24852284_290310298144021_7803891277985010082_n.jpg (568×960)

Cảnh trong tiểu phẩm "Thời thế thế thời"

          Trong năm 2018, Nhà hát đã tìm đọc và dàn dựng được 04 kịch bản mới: Chùm hài kịch “Oái oăm…đời 2” gồm 04 tiểu phẩm: “Hành là chính” của tác giả Trần Đình Văn; “Đại gia của mẹ”, “Ở rể”, “Tuyển lao động” của tác giả Nguyễn Toàn Thắng; đạo diễn NSND Lê Hùng. Vở "Điệp vụ trăng rằm" Kịch bản: Anh Quân; Đạo diễn - NSƯT Thu Hạnh. Vở diễn “Ngôi nhà trong thành phố” của tác giả Xuân Trình, đạo diễn NSND Lê Hùng. Vở diễn tham gia Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ III/2018 do Hội NSSK Việt Nam cùng với Sở VH&TT Hà Nội phối hợp tổ chức. Kết quả đạt được: Vở diễn “Ngôi nhà trong thành phố” đạt Huy Chương Bạc; 02 Huy Chương Vàng cá nhân (NS Diễm Hương, NS Ngọc Quỳnh); 04 Huy Chương Bạc cá nhân (NSƯT Thu Hà, NS Thanh Hương, NS Thiện Tùng, NS Việt Dũng). Vở diễn “Đôi mắt” của tác giả Vũ Minh Dũng; đạo diễn NSND Nguyễn Tuấn Hải.

Tháng 7/2018 Nhà hát đã tìm đọc và lựa chọn để dàn dựng chùm hài kịch "Oái oăm đời...2" kịch bản: Nguyễn Mạnh Hùng, Trần Đình Văn; Đạo diễn: NSND Lê Hùng. Vở diễn mở đầu với phần khai từ ấn tượng. Đó là khung cảnh buổi sáng nắng đẹp ở một trại dưỡng lão, nơi có rất nhiều những mảnh đời, những hoàn cảnh khác nhau của các ông bố bà mẹ già, neo đơn không nơi nương tựa tụ về đây. Có những người con vì cuộc sống mưu sinh, bon chen cuộc sống, vì mải lo kế sinh nhai kiếm miếng cơm manh áo mà không có thời gian chăm sóc hoặc quên mất người đã sinh thành ra mình... Câu chuyện là bài học về đạo đức, về trách nhiệm của bổn phận làm con đối với cha mẹ.

Tiểu phẩm "Đại gia của mẹ" là câu chuyện xảy ra trên thành phố - nơi vẫn được coi là miền đất hứa để nhiều người vẫn cứ nghĩ rằng con cái đi làm ăn trên thành phố là sẽ kiếm được nhiều tiền một cách dễ dàng và họ muốn con gửi tiền về để hưởng thụ, ăn sung mặc sướng và để khoe với thiên hạ. Họ đâu có biết được con mình cũng phải lao động cực khổ mới kiếm được đồng tiền. Đại gia của mẹ là bài học để mọi người hiểu rằng chỉ có lao động chân chính, chăm chỉ thì cuộc sống mới tốt đẹp, tương lai mới bền vững.

Với tiểu phẩm "Ở rể" thì khai thác khía cạnh tình cảm của bố mẹ dành cho con gái cũng như nỗi lòng, tâm tư của người con trai phải đi ở rể. Chính vì cái sự yêu con vô giá mà cha mẹ nhiều khi can thiệp quá sâu vào cuộc sống riêng của con mặc dù con đã có gia đình riêng, chính vì vậy đac không ít những chuyện khó xử, bi hài xảy đến làm ảnh hưởng đến mối quan hệ cũng như tâm tư tình cảm của các thành viên trong gia đình.
"Tuyển lao động" kể về những tình huống oái oăm và trớ trêu của những người tuyển lao động và những người đang tìm kiếm việc làm, phê phán thực trạng đáng báo động hiện nay trong xã hội.Đó là sự xuất hiện của những công ty ma mở ra để tuyển người đi lao động ở nước ngoài nhằm mục đích lừa đảo kiếm tiền. Đối tượng của những công ty ma này là những sinh viên mới ra trường chưa có việc làm, những thanh niên ở những làng quê nghèo, thiếu hiểu biết...biết bao nhiêu gia đình đã phải bán nhà cửa đất đai, ruộng vườn để lấy tiền cho con với mong muốn con được đi làm việc ở nước ngoài để có tiền trang trải cuộc sống hay ít nhất cũng thoát nghèo...
"Hành là chính" là câu chuyện phê phán cung cách làm ăn quan liêu, hách dịch và cửa quyền của các cán bộ công chức nhà nước đang làm việc tại một số cơ quan công sở. Đây là những vấn đề nóng bỏng đã và đang gây nhiều bức xúc trong xã hội.

25_X21M.jpg (1797×2209)

Tháng 9/2018 Nhà hát dàn dựng vở "Điệp vụ trăng rằm" kịch bản: Quân Anh; đạo diễn: NSƯT Thu Hạnh, diễn viên chính: Mai Huyền, Quang Minh, Diệu Linh, Thanh Hoa, Xuân Hồng, Trần Thanh, Thùy Anh, Xuân Hiển ... cùng tập thể nghệ sĩ Nhà hat Kịch Hà Nội trình diễn. Rằm Trung Thu đã sắp đến rồi! Chú Cuội, Thỏ Ngọc từ Cung Trăng cùng xuống hạ giới để tổ chức một lễ hội Trung Thu thật là to cùng các bạn phá cỗ. Từ trong cánh rừng nghìn năm, Tiên Hắc Ám và lũ tay sai nghe được tin tức, Tiên Hắc Ám rất muốn tham gia nhưng do mụ ta rất lười đánh răng rửa mặt, lười biếng học tập, không nghe lời người lớn nên không được các bạn nhỏ mời dự lễ hội. Mụ ta và đệ tử vô cùng tức giận, ngay lập tức bọn chúng tổ chức bắt cóc chú Cuội để tất cả các bạn nhỏ không có Tết Trung Thu. Tình hình vô cùng nguy cấp, Thỏ Ngọc và các bạn rất lo lắng. Bỗng ông Địa hiện ra, ông gọi về bộ 3 siêu đẳng Pen Ten, Powny và Rồng Pika Long để trợ giúp cho Thỏ Ngọc đi cứu chú Cuội. Tất cả mọi người rất tự tin lên đường cứu Cuội. Tại Động Hắc Ám trong khu rừng thiêng nghìn năm, Tiên Hắc Ám cùng hai đệ tử Sờ Pai Đơ Đơ và Bát Nháo đã giăng sẵn bẫy để chờ đón tất cả…

42317097_451330292042020_8160264659253854208_n.jpg (679×960)

Poster vỡ diễn "Điệp vụ trăng rằm"

         Tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ III/2018 do Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam cùng với Sở Văn hóa & Thể thao Hà Nội phối hợp tổ chức. Vở diễn “Ngôi nhà trong thành phố” của tác giả Xuân Trình, đạo diễn NSND Lê Hùng đã đạt Huy Chương Bạc; 02 Huy Chương Vàng cá nhân (NS Diễm Hương, NS Ngọc Quỳnh); 04 Huy Chương Bạc cá nhân (NSƯT Thu Hà, NS Thanh Hương, NS Thiện Tùng, NS Việt Dũng) .

Vở diễn lấy bối cảnh Hà Nội những năm tháng kháng chiến chống Mỹ khốc liệt. Đó là một giai đoạn lịch sử oai hùng của Thủ đô Hà Nội những năm 1968-1970 khi giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, phá hoại Hà Nội yêu dấu của chúng ta. Tại ngôi nhà nhỏ trong lòng thành phố Hà Nội, bà giáo (NSƯT Thu Hà) lại chuẩn bị tiễn chân người con thứ hai - Anh Phước (NS Thiện Tùng) lên đường nhập ngũ. Anh Hải - Con trai cả của bà là bộ đội hải quân đang chiến đấu ngoài đảo Cồn Cỏ, anh Phước – Con trai út đã phải viết tâm thư bằng máu để được ra chiến trường. Cả thành phố Hà Nội sơn đen để bảo vệ nhà máy điện. Những con người Hà Nội như bà giáo, anh Phước, anh Thông, chị Nhâm, cô ca sĩ Thuý Hà, bác Điềm ... tuy trong lòng đều mang những câu chuyện, những nỗi niềm riêng nhưng khi Tổ Quốc gọi tên, tất cả đều một lòng vì Thủ đô, vì đất nước. “Bằng như máu thịt còn chẳng tiếc, coi như hiến cả con ạ...” (Trích lời thoại của bà giáo).

Vở diễn như một bài thơ nhẹ nhàng, lãng mạn về những con người Hà Nội. Dù bom đạn khốc liệt có thể tàn phá nhà cửa, có thể cướp đi sinh mạng con người bất cứ lúc nào, nhưng người Hà Nội vẫn sống lạc quan, kiên cường và lịch lãm. “Hà Nội nổ súng, nhưng Hà Nội vẫn nở hoa, hoa nở ngay nách hầm.” (Trích tuỳ bút “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi” - Nhà văn Nguyễn Tuân).

42861041_10215873406481382_7688084003500326912_n.jpg (806×960)

45146229_252031615485803_6527934661639798784_n.jpg (1026×518)

Hình ảnh vở diễn "Ngôi nhà trong Thành phố"

Cũng trong tháng 4/2018, Nhà hát tham gia Cuộc thi Kịch nói toàn quốc tại thành phố Hồ Chí Minh với 02 vở diễn đạt kết quả nhất toàn đoàn: Vở diễn “Vùng lạnh” đạt Huy Chương Vàng; 05 nghệ sĩ đạt Huy Chương Vàng cá nhân (NSƯT Công Lý, NS Tiến Minh, NS Phú Thăng, NS Hoàng Sơn, NS Thanh Tùng); 04 nghệ sỹ đạt Huy Chương Bạc (NSƯT Tiến Hợi, NS Thùy Linh, NS Mạnh Cường, NS Thúy Hà);   

   

1.jpg (2808×1816)

Hình ảnh trong vở diễn "Vùng lạnh". Kịch bản -  Nhà văn Xuân Đức. Đạo diễn - NSND Hoàng Dũng

          "Đôi mắt" là một trong những vở diễn kinh điển về đề tài chiến tranh của sân khấu Cách mạng Việt Nam và là tác phẩm từng đạt giải thưởng văn học. Vở diễn là câu chuyện về tình đời, tình người, tình yêu trong khốc liệt của chiến tranh. Những người lính, những người chiến sĩ, bác sĩ ở đầu trận tuyến. Họ tuy sống và làm việc ở nơi bom đạn khói lửa, nhưng vẫn giàu lòng nhân ái, cao thượng, vị tha và cả đức hi sinh. Nhưng trên tất cả là tình yêu quê hương đất nước, theo Đảng theo Bác trọn đời, là tính nhân văn cao cả của con người Việt Nam.

          Chuyện xảy ra ở một trạm cấp cứu dã chiến, người ta chuyển đến một thương binh tên Việt bị bom địch làm hỏng đôi mắt. Việt có mối tình từ thuở xưa với cô gái cùng làng tên Nga - hiện cũng đang làm y tá tại trạm cấp cứu dã chiến này. Mâu thuẫn xảy ra khi hai bác sĩ giỏi nhất của trạm quân y tên Hải và Sơn bất đồng quan điểm trong việc cứu chữa cho bệnh nhân Việt. Trong khi bác sĩ Hải muốn bằng mọi cách phải cứu chữa đôi mắt cho Việt ngay tại đây thì bác sĩ Sơn lại muốn chuyển Việt về hậu phương chữa trị ( vì lo sợ có thương binh tử vong ở chiến trường sẽ ảnh hưởng đến thành tich của đơn vị). Nhưng có một thực tế là nếu chuyển thương binh về hậu phương thì sẽ rất nguy hiểm vì đường xá xa xôi, bom địch bắn phá mọi lúc mọi nơi có thể Việt sẽ chết ở dọc đường. Còn nếu chữa trị tại chỗ, thì sẽ không đủ điều kiện thuốc men, kỹ thuật lẫn cơ sở y tế thiếu thốn. Ban chỉ huy quyết định giữ Việt ở lại để chữa trị. Bác sĩ Hải được phân công ca mổ này đã rất phấn khởi vì được sự động viên khích lệ của Nga, bởi bác sĩ Nga cũng chính là người con gái xinh đẹp mà anh đã thầm yêu trộm nhớ và đang chờ câu trả lời từ Nga. Đứng trước sự khó xử về tình cảm và cũng trân trọng tình cảm của bác sĩ Hải - người mà Nga rất cảm kích về năng lực trình độ cũng như yêu mến bởi sự tận tâm, thân thiện và nhiệt tình với đồng nghiệp, bệnh nhân, Nga quyết định thú nhận Việt chính là người yêu của cô, cô vô cùng thương cảm và đau xót khi gặp anh trong hoàn cảnh này và cô thấy yêu anh nhiều hơn...

Mặc dù rất buồn nhưng cuối cùng với sự tận tâm của người bác sĩ, Hải đã quyết định mổ để cứu đôi mắt cho Việt dưới sự trợ giúp của Nga. Trong quá trình điều trị tại trạm quân y, mọi người đều phải giữ kín và không để lộ ra cho Việt biết là có Nga đang làm việc tại đây. Nhưng bằng linh cảm và trực giác, Việt vẫn biết Nga đang ở bên cạnh anh. Biết bác sĩ Hải yêu Nga và không muốn Nga phải khổ vì mình, Việt đã kiên quyết từ chối tình yêu của Nga...Tất cả như một bản anh hùng ca cách mạng, trải qua những yêu thương, giận hờn và cả những hoàn cảnh trớ trêu, những người lính vẫn rộn rã tiếng cười, vẫn lạc quan và gắn bó..và dành cho nhau những gì đẹp nhất giữa cái sống và cái chết, giữa cái khốc liệt của cuộc chiến tranh, trên hết vẫn là tính nhân văn, tình cảm cao thượng để Đôi mắt của Việt được bừng sáng...Anh lại tiếp tục cầm súng và xông pha vào chiến trường trong tình yêu của Nga và sự tin tưởng của đồng đội.

 

Thiet_ke_pano_25x153m_-_V2.jpg (2169×3543)

 

Pano_46x25.jpg (5000×2717)

Thiet_ke_pano_25x153m.jpg (3061×5002)

Một số hình ảnh trong vở diễn "Đôi mắt" của tác giả Vũ Dũng Minh; đạo diễn NSND Nguyễn Tuấn Hải

* Một số hình ảnh lưu diễn nước ngoài của các nghệ sĩ Nhà Hát Kịch Hà Nội:

 

kich_ha_noi_2.jpg (521×431)

Ảnh các nghệ sĩ Nhà Hát lưu diễn tại Cộng hòa Séc và CH Ba Lan.

img__resize_17112abc.jpg (243×200)

 

Ảnh các nghệ sĩ Nhà Hát lưu diễn tại Maxcova - Liên Bang Nga.

 

 

25435560_10213637726630783_1727021356_o-1-768x520.jpg (768×520)

Màn biểu diễn đặc sắc của anh chị em diễn viên Nhà hát tại Liên hoan Sân khấu quốc tế Tuyền Châu 2017 lần thứ III.

115.gif (800×551)

Ảnh NSND Công Lý, NSƯT Tiến Minh lưu diễn tại Châu Âu.

60 năm đã đi qua, Đoàn Kịch Hà Nội nay là Nhà Hát Kịch Hà Nội luôn có những vở diễn tiêu biểu, những thế hệ nghệ sĩ tiếp nối, chứng tỏ bản lĩnh qua từng giai đoạn phát triển của đất nước, khắc hoạ thành công các nhân vật trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trong công cuộc đổi mới và hội nhập. Ở đó, những con người Hà Nội đều là đại biểu trong chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, trong lao động và xây dựng, trong đấu tranh để hoàn thiện chính bản thân mình, sáng lên cái Chân- Thiện- Mỹ của người Hà Nội trong mọi thời kỳ, thể hiện rõ trong tất cả các tác phẩm, hình thành một phong cách nghệ thuật…tạo nên vị thế Nhà Hát Kịch Hà Nội./.

 Phòng Nghệ thuật – Nhà Hát Kịch Hà Nội biên soạn

 Nguồn tài liệu:

* 30 năm ấy bấy nhiêu tình của Giáo sư Trần Việt Ngữ

* Kỷ yếu Nhà Hát Kịch Hà Nội –  40 năm truyền thống vẻ vang

* Kỷ yếu Nhà Hát Kịch Hà Nội 55 năm mùa vàng

* Một số bài viết của các đồng chí lãnh đạo của Trung Ương và Thành phố

*Các tư liệu, các bài viết của các giáo sư, các nhà báo, các nghệ sỹ, các nhà lý luận phê bình văn học nghệ thuật…